Mục đích của cuộc tập trận hải quân Nga – Trung
Tuần dương hạm Varyag của hải quân Nga |
Tờ Quan điểm (Nga) dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương, Đại úy Roman Martov cho biết, các tàu chiến của Hải quân Nga và Hải quân Trung Quốc bắt đầu tập chung ở cảng Vladivostok chuẩn bị cho cuộc tập trận "Tương tác trên biển - 2015" giai đoạn hai.
Giai đoạn I của cuộc tập trận "Tương tác trên biển -2015" giữa hải quân Nga – Trung Quốc đã diễn ra tại Địa Trung Hải vào cuối tháng Năm vừa qua.
Nội dung cuộc tập trận này sẽ bao gồm: đổ bộ đường biển và đường không, trong đó sử dụng các tàu đổ bộ và máy bay của cả hai phía. 20 tàu chiến Nga-Trung tập đánh chiếm bờ biển ở Viễn Đông.
Tham gia cuộc tập trận lần này, phía Trung Quốc cử một biệt đội tàu chiến gồm 7 chiếc, dẫn đầu là tàu khu trục Thẩm Dương. Phía Nga cử 13 tàu chiến, bao gồm các tàu hộ tống, tàu hậu cần,…dẫn đầu là tuần dương tên lửa Varyag.
Mục đích của cuộc tập trận nhằm làm sâu sắc quan hệ hợp tác hữu nghị song phương, đồng thời nâng cao năng lực các lực lượng hải quân nhằm chung tay đối phó với các mối đe dọa an ninh hàng hải.
TheoThứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Antonov, cuộc tập trận này không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào và không liên quan đến tình hình trong khu vực. Tăng cường hợp tác quân sự Nga-Trung Quốc là nhằm chống lại những mối đe dọa và thách thức mới.
Cũng theo thứ trưởng Antonov, các đồng nghiệp Trung Quốc nhất trí trong lập trường của hai nước về những vấn đề liên quan tới các mối đe dọa và thách thức. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại ở cấp Bộ Tổng tham mưu.
Theo các nhà quan sát, cuộc tập trận này cho thấy cả hai nước đang muốn tăng cường quan hệ quân sự trong bối cảnh gia tăng xung đột quốc tế tiềm tàng. Nhất là khi Nga đang bị Mỹ và EU trừng phạt, cô lập vì những cáo buộc liên quan đến khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Nga dùng việc thắt chặt quan hệ với Trung Quốc như là một sự đối trọng cần thiết trước việc rạn nứt quan hệ với phương Tây từ khi nổ ra khủng hoảng chính trị tại Ukraine và thực hiện chính sách hướng đông để giảm bớt thiệt hại do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với mình.
Tàu chiến Nga - Trung tham gia cuộc tập trạn hồi tháng 5 vừa qua |
Còn Trung Quốc xem việc hợp tác với Nga là một cứu cánh trước việc bị các nước khác chỉ trích xung quanh các yêu sách lãnh thổ của mình.
Đánh giá
Cuộc tập trận này là một phần trong chiến lược chung của Moscow và Bắc Kinh, nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước khi mối quan hệ giữa mỗi bên với phương Tây đều có dấu hiện xấu đi. Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích cho rằng, Nga-Trung Quốc đang bắt tay đối phó Mỹ, khi cường quốc có nhiều đồng minh tại châu Á liên tục gia tăng sự hiện diện bên trong khu vực.
Việc hải quân Nga và Trung Quốc sẽ tập trận trên Biển Nhật Bản chỉ diễn ra sau khi một cuộc tập trận chung giữa hai nước này được thực hiện trên biển Địa Trung Hải, đánh dấu một thời điểm mới trong quan hệ Nga-Trung cũng như đánh tiếng với toàn thế giới về sức mạnh hải quân của Trung Quốc. Nga cũng dùng việc thắt chặt quan hệ với Trung Quốc như là một sự đối trọng cần thiết trước việc rạn nứt quan hệ với phương Tây từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga, Aleksey Puskov |
Theo ông Pushkov – Chủ tịch Ủy ban đối Ngoại thuộc Đuma Quốc gia Nga, sự nổi lên của Trung Quốc và Nga trong một liên minh mới đã trực tiếp ảnh hưởng đến vị thế chiến lược của Mỹ cùng các đồng minh. Chủ tịch Pushkov nhấn mạnh: "Cuộc tập trận hải quân Trung-Nga là bước nhảy vọt về chất trong tình hình hiện nay, và là một tín hiệu quan trọng đối với Mỹ cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)".
Tờ "Guardian" nhận định, Nga và Trung Quốc đang xây dựng một trục xoay chiến lược mặc dù lãnh đạo của hai quốc gia này đều một mực phủ nhận không có ý định thành lập một liên minh quân sự đúng nghĩa mà chỉ mong muốn hạn chế sự bành trướng của Mỹ trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong nội bộ chính giới ở cả Nga và Trung Quốc đều có ý kiến thừa nhận cả Moscow và Bắc Kinh đang xem xét một cách nghiêm túc vấn đề thiết lập lại một trật tự thế giới đa cực với vai trò rộng rãi của nhiều trung tâm quyền lực trên thế giới. Nga và Trung Quốc còn âm thầm ủng hộ nhau trong cuộc chiến giành giật ảnh hưởng, như việc Moscow "thu hồi" Crimea và Bắc Kinh tiến hành cuộc chiến giành giật lãnh thổ của các quốc gia láng giềng ở Biển Đông.
Chuyên gia Yakov Berger từ Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga nhấn mạnh giữa Moscow và Bắc Kinh hiện chưa có bất cứ hình thức liên minh nào, mặc dù xu hướng xích lại giữa hai nước vẫn được duy trì và có thể sẽ tiếp tục trong thời gian dài, tùy thuộc vào khả năng của Trung Quốc bước ra vũ đài chính trị thế giới nhanh hay chậm và sự đáp trả của Mỹ.
Li Xing, một chuyên gia về Nga thuộc Đại học Bắc Kinh nói: "Nga không có khả năng tác động đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc và ngược lại. Sự phát triển của mối quan hệ của Trung-Nga chủ yếu nhằm đẩy mạnh chiến lược và lợi ích quốc gia của Bắc Kinh. Nga hiện không phải là một nguy cơ đối với Trung Quốc và không có lý do gì để Trung Quốc không phát triển quan hệ với Nga”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Quan điểm, một trong những tờ báo điện tử có lượng truy cập lớn nhất tại Nga.