Mục đích chính đằng sau cuộc tập trận 3 bên của Mỹ - Hàn - Nhật
Nhà phân tích cho biết thêm, các cuộc tập trận hải quân này có thể là bước đi đầu tiên trong kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ ra khu vực Đông Á.
Hôm qua (16/5), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, cuộc diễn tập chung ba bên được tổ chức ở vùng biển Hawaii vào ngày 28/6 tới, bên lề cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn đầu mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). RIMPAC dự kiến bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến tháng 8 ở quanh Hawaii, Mỹ.
Theo một quan chức Hàn Quốc, cuộc diễn tập sắp tới tập trung vào thông tin tình báo cần thiết để phát hiện và theo dõi những vụ phóng tên lửa nhưng không bao gồm giai đoạn đánh chặn bằng việc sử dụng hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis lắp đặt trên chiến hạm. Tuy nhiên, tờ báo Nhật Bản Asahi lại cho biết các bên cũng sẽ luyện tập cả khả năng đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo.
Cuộc tập trận nói trên sẽ diễn ra trong bối cảnh Washington và Seoul đang đàm phán việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ. Lời giải thích được đưa ra là việc triển khai này sẽ giúp hạn chế năng lực tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng kịch liệt phản đối việc triển khai hệ thống nói trên và coi đó là nhằm ngăn chặn các lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc.
Mỹ chuẩn bị diễn tập phòng vệ tên lửa với Hàn Quốc và Nhật Bản ở Thái Bình Dương. Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Trả lời phỏng vấn Sputnik về sự việc trên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách công của Nga, Vladimir Yevseyev cho rằng, cuộc tập trận chung này sẽ không chỉ giới hạn ở việc đào tạo cách sử dụng hệ thống Aegis. Theo chuyên gia, có nhiều khả năng cuộc diễn tập trên sẽ bao gồm cả việc phá hủy các tên lửa khác. Quan trọng hơn, theo ông, đó là tập trận Mỹ-Hàn-Nhật sẽ không chỉ nhắm vào phá hủy các tên lửa của Triều Tiên.
“Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ lên tiếng phản đối các cuộc diễn tập nói trên bởi đây là ý đồ đưa Hàn Quốc vào bản đồ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Có khả năng Washington sẽ triển khai THAAD tới Seoul vào cuối tháng 6. Với thái độ thăm dò, hệ thống này có thể thu thập thông tin ở bên trong Trung Quốc và đó là điều khiến Bắc Kinh lo lắng”, ông phân tích.
Ông Yevseyev cũng cảnh báo, việc Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ tiến hành các dạng tập trận này cũng có nghĩa là họ sẽ tạo ra một nhóm hải quân bao gồm các loại tàu tuần dương và khu trục trên nền tảng của hệ thống điều khiển tên lửa Aegis và bao gồm cả tên lửa SM-3. Về lý thuyết, các loại tàu này có khả năng đánh chặn tên lửa Trung Quốc. “Các hệ thống mặt đất triển khai ở Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như các loại radar trên biển sẽ cho phép Mỹ nhận diện các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc”, ông nói.
“Có vẻ như các cuộc diễn tập này là bước đi đầu tiên nhắm tới việc triển khai một nhóm chiến đấu như vậy”, nhà phân tích quân sự nhấn mạnh.
Khi được hỏi liệu Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào, ông Yevseyev cho rằng động thái này có thể dẫn tới căng thẳng gia tăng và đẩy nhanh tiến độ quân sự hóa trong khu vực. Ông cho hay: “Đầu tiên, họ sẽ tăng cường năng lực phòng vệ bờ biển thông qua một loạt hệ thống phòng thủ tên lửa. Tôi cũng cho rằng Trung Quốc sẽ chú trọng tới tăng cường năng lực không quân, tập trung ngăn chặn việc triển khai mọi nhóm tàu trang bị tên lửa SM-3 ở khu vực gần bờ biển của Bắc Kinh. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng sẽ phát triển sức mạnh hải quân của mình để chống lại các lực lượng này”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.