Một số chương trình nâng cấp vũ khí nổi bật của quân đội VN (P1)
Dưới đây là một số chương trình nâng cấp vũ khí rất đáng chú ý được Việt Nam thực hiện trong thời gian qua
1. Nâng cấp hệ thống phòng không S-125 Pechora lên chuẩn S-125-2TM (Pechora-2TM)
Bắn nghiệm thu hệ thống S-125 2TM |
S-125 Neva/Pechora (SA-3 Goa) là hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô được thiết kế bởi Isayve OKB và đưa vào trang bị từ năm 1963. Mặc dù đã rất cũ nhưng hiện nay hệ thống S-125 Pechora vẫn giữ vai trò xương sống của lực lượng phòng không Việt Nam. Nhằm đảm bảo khả năng chiến đấu cũng như tính năng kỹ chiến thuật của S-125, Việt Nam đã hợp tác với công ty Tetraedr của Belarus để nâng cấp S-125 Pechora lên chuẩn S-125-2TM (Pechora-2TM).
Sau khi nâng cấp, cự ly phát hiện mục tiêu của S-125-2TM tăng lên 100 km (so với 80 km trước khi nâng cấp), độ cao tối đa phát hiện mục tiêu đạt 25 km (so với 18 km trước khi nâng cấp). Tên lửa của S-125-2TM có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với vận tốc 900 m/s ở cự ly 35 km (trước khi nâng cấp chỉ tiêu diệt được mục tiêu bay với vận tốc 700 m/s, cự ly 25 km). Khả năng kháng nhiễu của hệ thống đạt 2.700 W/MHz (vượt trội rất lớn so với trước khi nâng cấp là 24 W/MHz), thời gian triển khai chiến đấu chỉ mất 20 phút. Tỷ lệ tiêu diệt các mục tiêu bay của hệ thống S-125-2TM như sau:
- Với máy bay chiến đấu: từ 85 - 96 % (trước khi nâng cấp tỷ lệ này là 45 - 87%)- Với trực thăng: từ 40 - 80% (trước khi nâng cấp tỷ lệ này là 17 - 67%)
- Với tên lửa hành trình: từ 30 - 85% (trước khi nâng cấp tỷ lệ này là 4 - 48%)
Việc nâng cấp hệ thống S-125 lên chuẩn S-125-2TM giúp cho lực lượng phòng không Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của tác chiến hiện đại với chi phí bỏ ra rất thấp so với việc mua mới các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại hơn.
2. Nâng cấp radar cảnh giới P-18 lên chuẩn P-18M
Radar nhìn vòng P-18 trên đảo Trường Sa |
Radar cảnh giới nhìn vòng P-18 được phát triển nhằm thay thế radar P-12. Đài P-18 hoạt động trên băng sóng mét, tầm quét 250 km, độ cao tối đa 35 km, góc phương vị 3600. Radar P-18 được Việt Nam đưa vào hoạt động từ năm 1970 đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nhằm đáp ứng nhu cầu hiện đại hoá lực lượng Phòng không - Không quân, Việt Nam đã ký hợp đồng với công ty RETIA của Cộng hòa Séc để tiến hành nâng cấp các đài radar P-18 lên chuẩn P-18M với nhiều tính năng vượt trội.
Radar P-18M nâng cấp có một số ưu điểm so với nguyên bản như sau: Áp dụng công nghệ kỹ thuật số; Cải thiện hiệu suất hoạt động của radar (tăng cường khả năng theo dõi tự động lên đến 200 mục tiêu/giây và 1.000 mục tiêu/vòng quay anten); Tăng cường khả năng kháng nhiễu (lắp thêm 4 anten kháng nhiễu); Thông số đầu ra được hiển thị dưới dạng kỹ thuật số; Loại bỏ toàn bộ các thiết bị lỗi thời bằng các thiết bị mới hiện đại (như thay thế toàn bộ các đèn tia điện tử trên đài P-18 cũ bằng các màn hình LCD với các thiết bị điều khiển mới); Tăng cường độ tin cậy, tuổi thọ cũng như nguồn phụ tùng thay thế dồi dào (hiện nay do đài P-18 thế hệ cũ đã không còn sản xuất nên nguồn phụ tùng thay thế rất khó khăn); Tích hợp hệ thống nhận diện địch-ta (IFF); Giảm chi phí vận hành.
Màn hình hiển thị hiện đại trong buồng điều khiển của radar P-18M |
3. Nâng cấp các loại súng - pháo phòng không tầm thấp
Súng máy phòng không 14,5 mm lắp trên xe tải đi kèm hệ thống ngắm quang điện |
Nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc hiện nay, Việt Nam đã tự nghiên cứu nâng cấp các loại súng - pháo phòng không tầm thấp cỡ từ 14,5 - 57 mm do chúng có nhiều hạn chế trong môi trường tác chiến hiện đại. Trong đó, pháo 37 mm chỉ bắn được mục tiêu ban đêm có bật đèn quan sát bằng mắt thường và bay với tốc độ khoảng 250 m/s. Ngoài ra, hoạt động chiến đấu bằng tay khó đạt hiệu quả cao, nhịp bắn chậm, tính đồng loạt thấp.
Theo báo Quân đội Nhân dân, cán bộ Viện Tự động hóa Kỹ thuật Quân sự đã cải tiến trang bị cho các khẩu pháo 37 mm khí tài đánh đêm bán tự động có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly 40 km trong điều kiện ngày đêm, bị đối phương gây nhiễu điện tử, việc tính toán phần tử bắn do máy tính thực hiện. Bên cạnh đó Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự (Tổng cục Kỹ thuật) còn triển khai đề tài “Nghiên cứu lắp đặt pháo 37 mm 2 nòng lên xe vận tải bánh lốp Ural-375D”. Việc này sẽ tăng đáng kể khả năng cơ động với thời gian tự động triển khai không quá 3 phút, tự động thu hồi tổ hợp không quá 2 phút. Khi chiến đấu ở các tư thế khác nhau đều đạt độ chụm tương đương với tổ hợp pháo bắn trên mặt đất.
Đối với việc hiện đại pháo S-60 57 mm, cán bộ kỹ thuật thuộc Phòng Pháo phòng không - Tên lửa đã tập trung cải tiến máy chỉ huy K59-03 và radar trinh sát K8-60 bằng máy tính kỹ thuật số nên cho độ chính xác cao hơn, thời gian tính toán nhanh hơn, việc tích hợp hệ thống quang điện tử giúp cho trắc thủ quan sát, phát hiện mục tiêu ban đêm tốt hơn.
Màn hình điều khiển khí tài đánh đêm bán tự động của pháo phòng không 37 mm |
4. Tự hành hóa lựu pháo M-101 105 mm
Bắn nghiệm thu lựu pháo tự hành M-101 do Việt Nam cải tiến |
Lựu pháo M-101 cỡ 105 mm do Mỹ thiết kế sản xuất từ trong Chiến tranh thế giới thứ 2 có trọng lượng khoảng 2,26 tấn; dài 5,94 m, tầm bắn tối đa 11,2 km. M-101 có tốc độ xạ kích và độ chính xác cao, bắn được theo chế độ trực tiếp hoặc gián tiếp, rất thích hợp để yểm trợ bộ binh.
Việc lắp đặt M-101 lên xe bánh lốp cho lợi thế chiến thuật lớn đó là đem lại khả năng cơ động cao hơn so với pháo xe kéo, cho phép các khẩu pháo cơ động thay đổi trận địa ngay lập tức sau khi bắn một hay nhiều phát đạn, điều này rất quan trọng trong việc đối phó với cuộc phản pháo từ kẻ địch (nhất là trong bối cảnh, hệ thống trinh sát, định vị pháo binh đã ra đời).
Pháo tự hành M-101 của Việt Nam sử dụng loại pháo kéo hệ cũ và xe vận tải có sẵn giúp giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn đáp ứng được các yêu cầu tác chiến hiện đại.
Theo Trí Thức Trẻ