Một quyết định bất ngờ ngày giáp Tết
LTS: Tết xưa - Tết nay là câu chuyện về văn hóa Tết thường được nhắc đến mỗi khi Tết đến xuân về.
Infonet xin được khởi đăng loạt bài về vấn đề này, với mong muốn sẻ chia cùng bạn đọc những câu chuyện, những ý kiến, những kỷ niệm về Tết truyền thống; những thay đổi tốt - hoặc chưa tốt trong cách ăn Tết, chơi Tết của hôm nay.
Bạn đọc có những câu chuyện muốn chia sẻ cùng Infonet, vui lòng gửi bài về địa chỉ toasoan@infonet.vn. Bài viết được chọn đăng sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định của tòa soạn.
Mấy hôm nay chị Mai Liên (Hà Nội) cứ ám ảnh status của một người bạn trên facebook. Người bạn đó đã ly dị chồng, một mình nuôi 2 con. Tết năm nào, ba mẹ con chị cũng đi du lịch, ra biển ăn dầm nằm dề cả tuần liền, không phải bận tâm với cỗ bàn hay các nghi lễ mệt mỏi.
Ảnh minh họa |
Để có được sự giải thoát đó, chị ấy cũng đã phải trải qua 5, 6 cái Tết mệt mỏi, nhọc nhằn với mâm cỗ Tết, với một “huyện” bát đũa bẩn phải rửa suốt ngày, phải chung thân với nước lạnh giá buốt và cảm giác lạnh lẽo xa quê mẹ. Chưa kể những nghi lễ rườm rà, mê tín khác.
Một nách hai con nhỏ, đứa còn bú mẹ, đứa lẫm chẫm biết đi, cái Tết cuối cùng thực sự là địa ngục khiến chị quyết định chia tay chồng, chia tay nhà chồng để vào Nam sống. Một hai cái Tết đầu tiên đi du lịch, cảm giác trống trải có, cô đơn có, nhưng nhìn con nhỏ vui chơi với biển, cảm giác được nghỉ ngơi thực sự, chị ấy đã vơi đi nỗi buồn. Và đến bây giờ thì chị thực sự nghiện được đi chơi Tết đúng nghĩa, thấy sự lựa chọn của mình là không hề sai lầm.
Đọc xong, chị Mai Liên thần cả người. So với nỗi khổ mà người bạn gái kia trải qua, chị cũng không kém cạnh. Cũng đã từng bật khóc trước hàng chậu bát chén bẩn mà đám thanh niên con cháu bên chồng đến nhậu xong để lại. Chị cũng đã từng nứt nẻ chảy cả máu tay vì vừa phải giặt giũ nước lạnh vừa phải lau rửa cho con nước ấm. Cũng đã từng quẩn quanh trong bếp mấy ngày liền chỉ để nấu ăn, dọn dẹp.
Chưa kịp xong việc nhà chồng cả nhà lại tất tả bắt xe chạy 200km về bên ngoại. Về đến nhà mẹ, chị chỉ muốn nằm ườn ra nghỉ ngơi, lười biếng như thủa nào. Nhưng đã làm dâu, đã nuôi con, không ai không thương mẹ. Chị lại lao vào lo toan Tết bên ngoại. Cứ như thế, xong Tết lần nào, chị ốm lần đó.
Vậy mà đã 15 năm như thế, chị không hiểu sao mình sống sót nổi. Sợ hãi Tết đã là nhẽ đương nhiên, nhưng không hiểu sao bỗng dưng chị thèm đi du lịch đến thế. Thèm thoát khỏi những món ăn cũ mèm, thèm thoát khỏi những lời chúc cũ mèm, thèm thoát khỏi một không khí cũ mèm… Dù chỉ trong giây lát.
Chị không muốn trả giá bằng sự tự do như người bạn kia. Chị yêu chồng, thương con. Chị chỉ muốn thoát khỏi không gian xưa cũ mèm mà hàng triệu người hướng về như một nét văn hóa. Liệu chị có dị hợm, có lệch chuẩn không?
Có không ít gia đình bạn chị, sau ngày mùng 1 đã lên đường ra nước ngoài du lịch. Bởi họ thuận vợ, thuận chồng, ai cũng thích du lịch. Mấy lần chị kể cho chồng nghe, ướm ý anh, anh đều gạt phắt, lại còn lớn tiếng bảo họ “mất gốc”. Thế nên chị biết khó mà lay chuyển được anh.
Nhưng, sẽ ra sao nếu chị và con cứ đi, dù chỉ là 2, 3 ngày sau tết? Sẽ ra sao nếu chị thay đổi lịch, dành thời gian cho mẹ đẻ mấy ngày trước Tết, dành cho nhà chồng mấy ngày Tết chính rồi mùng 2 lên đường nghỉ ngơi, dành thời gian cho chính mình?
Chị tự hứa với mình, chị sẽ làm cuộc cách mạng như thế vào Tết này. Nếu anh không đồng ý đi cùng, chị và 2 con sẽ vẫn cứ đi. Chị tin là chị làm được. Chị tin anh chẳng dám bỏ chị và con chỉ vì 1 chuyến du lịch này.