Một quả chuối chia 3 ở trường, phụ huynh bức xúc nghĩ con bị "tước" phần ăn nhưng xấu hổ khi nghe giải thích
'Chẳng lẽ tốn một đống tiền như thế hàng tháng mà nhà trường không đủ tiền mua chuối cho con ăn hay sao?', phụ huynh đặt câu hỏi.
Khi con bắt đầu rời xa vòng tay bố mẹ để đến trường, phụ huynh nào cũng sẽ có rất nhiều lo lắng. Con có khóc không? Ngủ có được không? Có bị bắt nạt không và có ăn uống đủ chất dinh dưỡng không?...
Con trai chị Mỗ (Trung Quốc) năm nay 4 tuổi rưỡi, hiện đang học mẫu giáo. Tuy học phí ở trường chị chọn đắt hơn một chút, gần bốn nghìn nhân dân tệ một tháng (tương đương 14 -15 triệu đồng) nhưng chất lượng dịch vụ tốt, con ngày nào cũng thích thú đi học nên chị cũng mừng lắm.
Tuy nhiên, mấy ngày nay đứa trẻ kêu đói và muốn ăn khi về nhà. Sau khi gặng hỏi con, chị Mỗ được con trai kể chuối nhà trẻ không phải là chuối nguyên quả, ba đứa ăn chung một quả chuối. Người mẹ vô cùng tức giận. Chẳng lẽ tốn một đống tiền như thế hàng tháng mà nhà trường không đủ tiền mua chuối cho con ăn hay sao?
Vì vậy, chị Mỗ bắt đầu hỏi giáo viên trong nhóm trò chuyện chung, rằng tại sao con mình ăn không đủ no, và một quả chuối chia ba thì làm sao đảm bảo đủ chất? Nhìn thấy tin nhắn của chị Mỗ, các bậc cha mẹ khác cũng xôn xao. Nhiều người tỏ ra bức xúc vì nghĩ nhà trường đã tước phần ăn của lũ trẻ.
Thấy phụ huynh thắc mắc, cô giáo miễn cưỡng gửi ảnh bữa trưa cho nhóm, hóa ra phụ huynh đã hiểu nhầm bởi đĩa trái cây của con không chỉ có chuối mà còn nhiều loại trái cây khác. Để dinh dưỡng cho trẻ cân đối, trong đĩa trái cây sẽ có bốn hoặc năm loại, tránh việc trẻ không thích ăn một loại nào đó.
Nghe cô giáo giải thích xong, chị Mỗ và các phụ huynh cảm thấy rất xấu hổ vì hành động thiếu suy nghĩ của mình.
Nhiều người cho rằng nếu phụ huynh có thắc mắc hoặc nghi ngờ về một số hoạt động của trường thì nên trao đổi với giáo viên trước, hỏi một cách lịch sự và khiêm tốn để giải quyết vấn đề. Làm căng thẳng mọi chuyện hoặc có cách cư xử thiếu tế nhị không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ với giáo viên mà còn gián tiếp gây khó xử cho con cái mình.
Trên thực tế, ở góc độ phụ huynh, họ quan tâm đến việc con mình có ăn được nhiều hay không, tuy nhiên, trường mẫu giáo lại xem xét một cách toàn diện hơn, muốn cân đối dinh dưỡng nên thường cho trẻ tiếp xúc với nhiều loại thức ăn hơn.
Các bé cũng có khẩu vị khác nhau, có bé kén ăn hơn, chỉ thích ăn một số loại hoa quả nên phần trái cây có nhiều hương vị sẽ ngon hơn. Trái cây và đồ ăn nhẹ nếu trẻ ăn quá nhiều sẽ không thấy ngon miệng vào bữa chính, vì vậy, nhiều trường mẫu giáo cũng chủ trương cho trẻ ăn ít, chia nhiều bữa.
Ngoài ra, nhiều trường sẽ gửi nhận xét của giáo viên về trẻ cho gia đình hàng tháng. Nếu bản nhận xét ấy chi tiết đến từng bữa con ăn được mấy bát, mấy thìa thì chứng tỏ trường quá chú trọng việc ăn uống và áp lực lên các cô khá nặng, các hoạt động khác khó đảm bảo được vì mỗi cô phụ trách 5, 7 bạn, mỗi ngày ăn 4-5 bữa, các hoạt động ăn học liên tiếp nhau (mặc dù việc này cũng có thể do áp lực từ phía bố mẹ về chuyện ăn của con).
Dinh dưỡng quan trọng nhưng các hoạt động khác cũng cần thiết không kém. Nếu bạn muốn con được trải nghiệm và vui chơi nhiều, hãy đề nghị các cô tập trung vào các hoạt động học tập và trải nghiệm của trẻ, phần ăn uống chỉ cần ghi chú lại hôm nay con ăn nhiều/ ít hơn những ngày thường như thế nào là ổn.
Có mẹ giàu có nhưng độc đoán, cô gái 18 tuổi “cầu cứu” cộng đồng mạng
Cách dạy con của người mẹ này đang dần biến con thành “nô lệ” để thỏa mãn chính cảm xúc và mong muốn của mẹ.
Theo Pháp luật và Bạn đọc