Mối liên hệ giữa người Thái và Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ đánh bom Bangkok
Đối tượng trên bị bắt giữ ngày 1/9 tại quận Sungai Kolok, thuộc tỉnh Narathiwat, miền Nam Thái Lan. Nghi can này đã được đưa tới Bangkok và tạm giữ tại trụ sở khu quân sự số 11 hôm qua.
Trung tướng Prawut Thawornsiri, người phát ngôn lực lượng cảnh sát Thái Lan, xác nhận vụ bắt giữ và cho biết lực lượng đặc nhiệm Narathiwat cũng bắt một người khác vì tình nghi liên quan tới vụ đánh bom. Cảnh sát tìm thấy người đàn ông khả nghi sau khi ông ta liên hệ qua điện thoại với nghi phạm Wanna Suansan, người có tên Hồi giáo là Maisaroh.
Nghi phạm Wanna Suansan và người chồng Thổ Nhĩ Kỳ. |
Hiện tại, Wanna là nghi phạm duy nhất của vụ đánh bom chưa bị bắt. Chính phủ Thái Lan đã phát lệnh truy nã Wanna và chồng là Emrah Davutoglu, quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai người này có thể đang ở quê của Davutoglu.
Trước đó, nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ một người đàn ông nước ngoài tại một trạm kiểm soát ở biên giới với Campuchia, được cho là nghi phạm chính trong vụ đánh bom trên.
Nhóm đánh bom Thái Lan-Thổ Nhĩ Kỳ?
Hôm qua, một tòa án ở tỉnh Min Buri đã ra lệnh bắt giữ khẩn cấp một nghi phạm trong vụ đánh bom đền Erawan, người này được xác nhận chắc chắn mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, là chồng của nghi phạm nữ duy nhất Wanna Suansan với tội danh sở hữu trái phép vũ khí chiến tranh.
Theo Trung tướng Prawut Thawornsiri, nghi phạm này tên là Emrah Davutoglu, người đã cùng vợ là Suansan thuê một căn hộ ở Min Buri. Tuần trước, cảnh sát đã cho lục soát căn hộ của cặp vợ chồng Thái-Thổ Nhĩ Kỳ này và phát hiện nhiều vật liệu và dụng cụ chế tạo bom trùng với loại bom xuất hiện trong vụ nổ ở trung tâm Bangkok. Wanna, còn có tên đạo Hồi là Maisaroh và Davutoglu được cho là đã trở về Thổ Nhĩ Kỳ.
Cảnh sát Thái Lan đã ban hành 8 lệnh bắt giữ khẩn cấp. |
Hôm 1/9, cảnh sát Thái Lan tiếp tục ban lệnh bắt đối với ba nghi phạm khác có liên quan đến vụ đánh bom, trong số đó có ít nhất một người là Ahmet Bozonglan được nhận dạng là người Thổ Nhĩ Kỳ. Bozonglan đã thuê một căn hộ 5 phòng tại Pool Anant, quận Nong Chok và cảnh sát cũng tìm thấy nhiều dụng cụ chế tạo bom trong đó.
Cho tới nay, cảnh sát Thái Lan đã ban hành tổng cộng 8 lệnh bắt giữ các nghi can có liên quan đến vụ đánh bom, trong đó đa phần là người nước ngoài.
Tướng Prawut Thawornsiri cũng cho biết cảnh sát đã liên hệ với giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ để nhờ hỗ trợ trong trường hợp của nghi phạm Wanna Suansan nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Hôm qua, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Thái Lan đã lên tiếng về những “báo cáo cụ thể” liên quan đến quốc tịch của các nghi phạm mới bị bắt giữ. Tuyên bố cho biết: “Chúng tôi đang yêu cầu có thêm thông tin về việc liệu người bị bắt giữ hôm 29/8 có phải mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ hay không và về những hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ mà cảnh sát Thái Lan thu giữ được. Đại sứ quán đang đợi câu trả lời chính thức từ phía các nhà chức trách Thái Lan”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sek Wannamethee cũng khẳng định Bộ đang hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia an ninh và các quan chức chính phủ của các đại sứ quán nước ngoài để nắm rõ thông tin về các nghi phạm đánh bom.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Bangkok Post, một nhật báo giấy khổ rộng bằng tiếng Anh xuất bản ở Bangkok, Thái Lan. Ấn bản đầu tiên được ra mắt ngày 1/8/1946.