Mở cửa hàng quán, nới lỏng nhưng người Hà Nội chưa phải lúc 'bung lụa'
Những ngày nới lỏng đầu tiên của Hà Nội sau đợt dịch thứ tư, hàng quán mở cửa trở lại nhiều người háo hức cùng bạn bè, gia đình đi cafe, ăn sáng, thanh niên đi chơi tắc kẹt đường Hồ Tây. Không ít người có tâm lý 'bung lụa'.
Hà Nội trở về trạng thái bình thường mới, chuyên gia khuyến cáo người dân 'đừng lượn lờ siêu thị'
Hà Nội dù trở về trạng thái bình thường mới, cho mở lại một số dịch vụ để duy trì mục tiêu kép nhưng ông Trần Đắc Phu lưu ý không vì thế mà 'chủ quan' bởi 'nguy cơ dịch vẫn rất cao'.
Theo khảo sát của phóng viên, rất nhiều gia đình, nhóm bạn bè đã cùng nhau đi cafe, ăn sáng. Cảnh đông đúc nhộn nhịp tại các quán cafe, dù các bàn kê giãn cách, không vách ngăn, khá phổ biến ở Hà Nội. Mỗi bàn có tới 5–6 người, không đeo khẩu trang, nói chuyện thoải mái.
Chị Hồng Vân (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ trước đây sáng cuối tuần cả gia đình chị có thói quen đi cafe và từ sau khi Hà Nội cho mở cửa một số dịch vụ trong nhà, chị vui như được giải phóng. Đầu tiên, cho con đi cắt tóc, chị gội đầu thư giãn rồi cả nhà đi cafe, ăn sáng, cảm giác thèm không khí nhộn nhịp ở quán phở sáng, xong rồi nhâm nhi ly cafe quen thuộc. Trước đó chị có gọi đồ ăn về nhà nhưng thường tới nơi món đã nguội, ăn rất chán.
Quán phở chị ăn đông người, ngồi kín các bàn và hầu như không có vách ngăn. Sang đến quán cafe cũng tương tự, chỗ thì cả gia đình, nơi thì bạn bè tụ họp buôn chuyện rôm rả.
Nhân viên tất bật phục vụ khách tại quán cafe sáng ở Hà Nội sau khi hàng quán được hoạt động trở lại. |
Theo PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện khẩn cấp Bộ Y tế, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành ở nước ta là chủng ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng cũ rất nhiều. Nếu cho mở cửa trở lại người dân không thực hiện đúng yêu cầu đảm bảo công tác phòng chống dịch thì sẽ rất nguy hiểm.Theo quy định của Hà Nội, để đảm bảo phòng chống dịch, yêu cầu hàng quán không được đón khách quá đông, đảm bảo khoảng cách và vách ngăn giữa người với người… Hà Nội cũng yêu cầu các nhà hàng, quán bán trong nhà nhưng vẫn phải đóng cửa sớm. Bởi vì khi cho kinh doanh muộn, lực lượng công an, chính quyền, tổ Covid-19 cộng đồng sẽ khó khăn hơn trong vấn đề kiểm soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định này.
Đặc biệt, hiện nay virus đã lẩn khuất trong cộng đồng và chúng ta đã ghi nhận các trường hợp lây ở môi trường kín, nhà hàng, quán cafe, máy bay…
PGS Phu khuyến cáo người dân không nên có tâm lý chủ quan vì đã được giảm giãn cách mà lơ là phòng chống dịch. Khi đi ăn sáng, cafe vẫn cần đảm bảo nguyên tắc 5K. Không nên đến những quán quá đông người dù thực phẩm có ngon hay phong cách quán hấp dẫn.
Khi đi ăn, PGS Phu vẫn khuyến cáo nên đi cùng người trong gia đình, văn phòng không nên gặp người lâu không gặp.
Nhiều quán cafe, quán ăn vẫn chưa thực hiện có vách ngăn, dù vách ngăn không đảm bảo 100 % phòng chống dịch nhưng theo PGS Phu nó vẫn ngăn được giọt bắn. Để giảm nguy cơ virus lây lan trong không khí không nên sử dụng điều hoà mà nên dùng quạt điện, mở cửa thông thoáng để đảm bảo không khí lưu thông.
Bài học của làn sóng dịch thứ 4 này chính là cơ chế lây lan của virus trong môi trường kín, điều hòa. Điều này có thể thấy rõ trong ổ dịch tại quán bar, nhà máy trong khu công nghiệp, spa, bệnh viện.
Trao đổi về việc nguy cơ lây trong phòng kín và ngoài trời, PGS Phu cho biết việc ăn uống vỉa hè và trong nhà cũng là để dễ quản lý chứ không phải quán ăn vỉa hè ăn uống nguy cơ lây cao hơn trong nhà.
“Ngoài cộng đồng vẫn có thể có ca bệnh mà chúng ta chưa phát hiện ra vì thế vẫn cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Đây chính là cách chặn đường lây của virus khi chưa có vắc xin, hạn chế được rất lớn sự phát tán mầm bệnh ở nơi công cộng.
Tại khu vực hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa), dù đã khuya, hàng dài nam nữ thanh niên tới 30–40 người vẫn ngồi sát nhau, tụ tập chuyện trò trên vỉa hè. (Ảnh chụp tối 27/6) |
Cùng quan điểm, thạc sĩ, BS Nguyễn Quốc Thái – BV Bạch Mai cho rằng đến hiện tại Hà Nội tạm thời nới lỏng giãn cách hơn nhưng không thể chủ quan vì bất cứ khi nào cũng có thể phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng. Thành phố là nơi dân cư đông, đi lại nhiều nên không thể chủ quan.
Ví dụ như trường hợp bệnh nhân 15215 tại Đông Anh không rõ nguồn lây nhiễm và điều đó cho thấy bất cứ ở đâu cũng có nguy cơ. Một ca ngoài cộng đồng còn nguy hiểm hơn hàng trăm ca trong khu cách ly.
BS Thái cho biết người dân vẫn cần tuân thủ phòng dịch, bỏ thói quen tám chuyện, tốt nhất nên hạn chế gặp gỡ nếu không cần thiết.
Khánh Chi