MH370: 5 năm và hàng ngàn giả thuyết, bí ẩn hàng không vẫn chưa có lời giải

Vào ngày 8/3/2014, máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã cất cánh từ thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) để đến Bắc Kinh (Trung Quốc), thế nhưng nó đã không bao giờ hạ cánh.

Từ đó đến nay, các nước trên thế giới đã tiến hành một quá trình tìm kiếm đáy biển có thể nói là đắt đỏ nhất trong lịch sử nhưng vẫn không thể tìm được máy bay. Các nhà chức trách cũng không thể tìm ra được vì sao chỉ 40 phút sau khi cất cánh, MH370 đã đổi hướng và bay về phía nam Ấn Độ Dương với toàn bộ 239 người có mặt.

Tròn 5 năm sau khi mất tích, MH370 vẫn là bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không.

Nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích vì sao máy bay biến mất và để xác định vị trí có thể của máy bay lúc này. Giả thuyết cũ bị bác bỏ thì giả thuyết mới lại xuất hiện, trong khi quá trình tìm kiếm vẫn chưa thể tìm ra lời giải đáp thực sự.

2014: Máy bay có thể đã rơi ở phía Bắc

Sau khi thông tin ban đầu về sự việc xuất hiện, giả thuyết đầu tiên mà người ta đưa ra đó là MH370 đã bị không tặc khống chế và bay về phía Bắc về phía khu vực Trung Á. Khi đó, giả thuyết này có căn cứ thực tế do nhiều người tin rằng MH370 có thể bay về nhiều hướng khác nhau.

MH370 tắt thiết bị tiếp sóng của mình, khiến máy bay biến mất trên màn hình radar không lưu sau 40 phút bay trên trời. Tuy nhiên, các điều tra viên vẫn có thể theo dõi đường đi của máy bay bằng radar quân sự.

Theo đó, chúng ta được biết rằng MH370 ban đầu đã bay trên tuyến đường hướng về phía Bắc Kinh, sau bất ngờ đổi hướng và bay về phía Tây Nam, và sau đó lại hướng về phía Tây Bắc và bay đến Ấn Độ. Cuối cùng, tín hiệu radar bị đứt hoàn toàn.

Các điều tra viên đã phải dùng dữ liệu thu thập từ vệ tinh để xác định những gì tiếp theo đã xảy ra với MH370. Các dữ liệu vệ tinh này không giúp họ định vị máy bay, song chúng giúp xác định một khu vực hình tròn mà máy bay có thể đã bay qua (với vệ tinh ở vị trí tâm đường tròn). Dựa trên những dữ liệu này, MH370 được xác định đã tiếp tục bay xa dần khỏi vệ tinh, nhưng không ai có thể khẳng định liệu nó đã bay về phía nam gần nước Úc hay hướng về phía Bắc và đi vào Châu Á.

Dù vậy, giả thuyết máy bay hạ cánh tại một địa điểm ở Châu Á đã bị công ty sở hữu vệ tinh tìm kiếm là Immarsat bác bỏ, và đến khi những mảnh vỡ của MH370 được phát hiện ở bờ biển Châu Phi, không ai còn nhắc đến giả thuyết này nữa.

2015: Máy bay có thể đã rơi ở phía tây nước Úc, hành khách có thể đã bị mất dưỡng khí

Năm 2015, những mảnh vỡ được xác nhận là của MH370 đã trôi dạt vào nhiều bờ biển ở phía đông Châu Phi. Điều này không những cho thấy rằng máy bay đã không còn nguyên vẹn, mà dựa trên những dữ liệu về dòng biển người ta đã khẳng định MH370 đã rơi ở phía nam Ấn Độ Dương, gần phía tây nước Úc, và dòng hải lưu đã đưa các mảnh vỡ trôi về Châu Phi một năm sau đó.

Các nhà điều tra khẳng định rằng MH370 đâm xuống Châu Phi là điều không thể xảy ra, do các dữ liệu vệ tinh cho thấy rằng máy bay chỉ bay về khu vực đông nam của Ấn Độ Dương.

Một mảnh vỡ của MH370 được tìm thấy ở bờ biển Châu Phi.

Trong khi đó, các nhà chức trách và chuyên gia tin rằng nhiều khả năng một vụ hỏa hoạn hoặc một sự trục trặc kỹ thuật đã xảy ra trên máy bay, buộc nó phải đổi hướng để tìm địa điểm hạ cánh khẩn cấp. Có giả thuyết cho rằng một sự cố nào đó đã khiến người trên máy bay bị mất dưỡng khí, khiến cả phi hành đoàn và hành khách đều bất tỉnh trước khi có thể hạ cánh. Khi toàn bộ mọi người đều không tỉnh lại, máy bay tiếp tục bay với chế độ tự động ở Ấn Độ Dương cho đến khi cạn nhiên liệu.

Giả thuyết hết dưỡng khí này hiện vẫn là kết luận mà chính phủ Malaysia và Cục An toàn Giao thông Úc (ATSB) đưa ra, khi họ tin rằng cơ trưởng của MH370 là ông Zaharie Ahmad Shah đã bất tỉnh ở cuối hành trình bay.

2016: Máy bay cố ý đổi hướng?

Vào năm 2016, các nhà điều tra Mỹ và ATSB đã phát hiện hệ thống lái máy bay giả lập tại nhà của cơ trưởng Zaharie đã được dùng để mô phỏng một đường bay về phía nam Ấn Độ Dương, giống tuyến đường mà máy bay MH370 đã bay theo trong ngày hôm đó.

Tuy nhiên ATSB ngay lập tức nói rằng họ không coi đây là bằng chứng cho thấy ông Zaharie cố ý đổi hướng máy bay hay có ý định tự sát cùng toàn bộ mọi người trên máy bay.

Hiện vẫn chưa xác định liệu có phải chính ông Zaharie hay là một ai khác đã thiết lập đường bay giả lập này. Người thân của ông cũng khẳng định ông là người “yêu đời”, có thành tích cá nhân đáng nể và không bao giờ có ý định cố ý đâm máy bay.

Chính phủ Malaysia vẫn tiếp tục bác bỏ giả thuyết “phi công có ác ý” và khẳng định rằng ông Zaharie đã bất tỉnh và cũng là nạn nhân của vụ việc.

Cơ trưởng Zaharie, một trong hai phi công có mặt trên máy bay mất tích.

2017: Vùng ưu tiên rộng 25.000 km vuông được xác định

Vào năm 2017, ATSB đã đưa ra báo cáo chi tiết nhất về vụ máy bay MH370 mất tích. Kể từ khi bắt đầu cuộc tìm kiếm tới nay, cơ quan này đã tìm kiếm một khu vực có tổng diện tích lên đến 120.000 km vuông.

Báo cáo này nói rằng họ không tìm được máy bay, song lại đưa ra hai giả thuyết mới. Giả thuyết thứ nhất vẫn là phi công trên máy bay đã bất tỉnh, tuy nhiên ATSB đã đưa ra bằng chứng mới. Họ nói rằng máy bay đã đâm xuống mặt nước “với tốc độ rơi ngày càng lớn”, điều này cho thấy máy bay đã rơi tự do và phi công khi đó đã bất tỉnh.

Giả thuyết thứ hai đó là một khu vực mới, được xác định là “vùng ưu tiên” nằm ở phía Bắc ở vị trí các hoạt động tìm kiếm diễn ra, có thể là nơi MH370 đã rơi. Mặc dù ATSB chưa tìm kiếm “vùng ưu tiên” nàỳ, họ nói rằng quá trình phân tích những bằng chứng hiện có đã giúp họ tin chắc rằng MH370 đang nằm ở đó và mong các cơ quan tìm kiếm cứu nạn xem xét khu vực này.

2018: Phi công thực sự vẫn còn tỉnh táo?

Năm 2018, quá trình tìm kiếm “vùng ưu tiên” rộng 25.000 km vuông đã được thực hiện, nhưng vẫn không đạt được kết quả nào. Công ty Mỹ Ocean Infinity đã tìm kiếm khu vực này trong nhiều tháng, và mặc dù ban đầu họ rất lạc quan, song càng tìm kiếm càng vô vọng.

Thất bại này đã khiến nhiều người suy nghĩ lại về những giả thuyết được đặt ra. “Vùng ưu tiên” được thiết lập dựa trên suy đoán rằng khi MH370 hết nhiên liệu, ông Zaharie đã bất tỉnh và máy bay rơi nhanh xuống biển. Vì vậy quá trình tìm kiếm đã diễn ra gần nơi máy bay rơi khi cạn nhiên liệu.

Thế nhưng việc không tìm được MH370 gần nơi máy bay hết nhiên liệu đã khiến nhiều người cho rằng máy bay đã không rơi ở nơi đó. Một giả thuyết được một số cựu phi công đưa ra nói rằng ông Zaharie vẫn còn tỉnh táo và đã đặt máy bay ở chế độ “lướt trên không” khi máy bay hết nhiên liệu. Nếu điều này là sự thật, máy bay có thể tiếp tục bay xa hơn vị trí đã tìm kiếm 200 km nữa và sẽ giải thích vì sao họ không thể tìm thấy máy bay.

Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cho sự mất tích của MH370.

Trên truyền hình Úc, nhiều cựu phi công cho rằng ông Zaharie có thể đã cố tình giảm áp suất máy bay để làm toàn bộ hành khách và phi hành đoàn bất tỉnh, sử dụng hệ thống dưỡng khí của riêng mình để giữ mình tỉnh táo, sau đó tăng áp suất máy bay để thực hiện kế hoạch này.

Tuy nhiên ông Peter Foley, một quan chức cấp cao của ATSB đã bác bỏ giả thuyết này. Ông nói rằng cơ trưởng Zaharie khi đó đã “53 tuổi và là người bị béo phì” sẽ bất tỉnh ngay khi ông làm điều này, và nếu giảm áp máy bay thì chính ông cũng sẽ bị tác động mạnh. Máy bay cũng không thể nào tiếp tục “lướt trên không” bởi dữ liệu năm 2017 chứng minh rằng máy bay đã trong tình trạng “tốc độ rơi ngày càng lớn”.

2019: Bí ẩn chưa có lời giải đáp

Đến nay, tròn 5 năm kể từ khi MH370 mất tích và sau khi tìm kiểm một khu vực có tổng diện tích 200.000 km vuông mà không tìm thấy, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy vị trí rơi máy bay cũng như nguyên nhân gây ra vụ việc.

Báo cáo mới nhất của chính phủ Malaysia vẫn không có nội dung nào mới. Được soạn thảo vào năm 2018, ban đầu nó được gọi là “báo cáo cuối cùng”, song do thiếu thông tin và việc thân nhân của những người mất tích tỏ ra giận dữ đã khiến chính phủ tuyên bố rằng đây không phải là báo cáo cuối cùng.

Cũng trong năm 2018, một phân nhánh của lực lượng cảnh sát Pháp đã tuyên bố họ sẽ điều tra vào quá trình các dữ liệu được thu thập. Hiện hoạt động này vẫn đang diễn ra nhưng vẫn chưa có thông tin nào mới.

Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông Malaysia Anthony Loke cho biết ông vẫn để ngỏ cơ hội tiếp tục quá trình tìm kiếm trở lại, và công ty Ocean Infinity cũng nói rằng họ sẵn sàng bắt đầu công cuộc tìm kiếm một lần nữa.

Anh Tuấn (lược dịch)
Từ khóa: MH370 Malaysia máy bay mất tích tìm kiếm bí ẩn

Video xe chiến đấu bộ binh Bradley của Ukraine tập kích cứ điểm Nga

Quân đội Ukraine đã sử dụng xe chiến đấu bộ binh (IDF) Bradley để tập kích các cứ điểm phòng thủ của Nga xung quanh thành phố Avdiivka.

Cách Iran trả đũa Israel sẽ quyết định chiều hướng xung đột ở Trung Đông?

Việc Iran tấn công trả đũa Israel sau vụ không kích đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria đang làm dấy lên lo ngại về xung đột lan rộng ở Trung Đông.

Nga phản ứng 'gắt' trước tuyên bố của Mỹ về thủ phạm khủng bố ở Moscow

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng bất kỳ tuyên bố nào từ Mỹ nhằm biện hộ cho Ukraine trước khi cuộc điều tra về vụ khủng bố Moscow chưa kết thúc đều được coi là "bằng chứng".

Khoảnh khắc trục hạm Pháp bắn rơi tên lửa đạn đạo của Houthi

Hải quân Pháp ngày 21/3 đã đánh chặn 3 tên lửa đạn đạo của Houthi trên Biển Đỏ, đánh dấu cuộc đụng độ mới nhất giữa phương Tây và lực lượng vũ trang đến từ Yemen.

Video lính dù Nga bắn hạ UAV 'Ma cà rồng' của Ukraine gần Bakhmut

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố video quay cảnh lính dù nước này bắn cháy một máy bay không người lái (UAV) hạng nặng "Baba Yaga" (Ma cà rồng) của Kiev ở gần Bakhmut, miền đông Ukraine.

Ông Putin công du nước nào đầu tiên sau khi tái đắc cử?

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông sẽ xem xét việc đến Trung Quốc để thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử.

Ông Putin tái đắc cử tổng thống, nước Nga sẽ thế nào trong 6 năm tới?

Chiến thắng của ông Putin sẽ đảm bảo sự trỗi dậy kinh tế và phát triển kỹ thuật - quân sự của Nga, giữa lúc sự thay đổi địa chính trị toàn cầu đang diễn ra.

Tỉ lệ dân Nga đi bầu tổng thống cao kỷ lục, ông Putin thắng cử vang dội

Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC) cho biết, tỉ lệ cử tri nước này tham gia cuộc bầu cử năm nay cao kỷ lục và Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin dự kiến sẽ thắng vang dội với gần 90% phiếu ủng hộ.

Video quân đội Nga bắn nổ 2 trực thăng của Ukraine ở Donetsk

Quân đội Nga đã sử dụng bom dẫn đường để bắn nổ 2 trực thăng quân sự của Ukraine tại một sân bay dã chiến ở vùng Donetsk.

Tổng thống Putin nói Nga sẵn sàng cho cuộc chiến hạt nhân

Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo phương Tây về việc Nga đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật cho cuộc chiến hạt nhân.

Đang cập nhật dữ liệu !