Merkel: EU hiện không thể hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga
Thủ tướng Đức Angela Merkel |
Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh rằng, rõ ràng là các biện pháp trừng phạt chống Nga đã ảnh hưởng đến hàng loạt công ty của các nước châu Âu.
"Vì vậy, đương nhiên, chúng tôi muốn đạt được các điều khoản chính trị cho phép bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Nga", - tờ Deutsche Welle dẫn lời bà Merkel cho biết.
Đồng thời, bà Merkel nói thêm rằng: "do những vi phạm về luật pháp quốc tế hiện hành và đến nay tình hình vẫn chưa ổn định, chúng tôi rất tiếc vẫn chưa thể thực hiện được điều này".
Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ Đức muốn nối lại mối quan hệ mang tính xây dựng với Moscow. "Chúng tôi mong muốn hợp tác kinh doanh với Nga, giữa chúng tôi có nhiều vấn đề quốc tế", bà Merkel cho biết, sau khi nhận thấy Moscow có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết xung đột tại Syria.
Theo kết quả cuộc khảo sát các công ty, Phòng thương mại Đức-Nga cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow tỏ ra không hiệu quả.
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, các biện pháp trừng phạt do cuộc khủng hoảng tại Ukraine không thể là "phản ứng đáp trả cuối cùng", Berlin cần có bước tiến xa trong mối quan hệ với Moscow.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, đang có những bất đồng sâu sắc giữa phương Tây và Nga về vấn đề Ukraine và chúng cần được loại bỏ.
Hồi tháng Sáu, Hội đồng EU đã chính thức gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng nữa, tức là đến ngày 31 tháng 1 năm 2016. Ngoài ra, vào ngày 19 tháng 6, Hội đồng Liên minh Châu Âu đã chính thức xác nhận việc gia hạn lệnh trừng phạt đối với Crimea và Sevastopol đến ngày 23 tháng 6 năm 2016.
Ngay sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh gia hạn các biện pháp bảo vệ từ ngày 6 tháng 8 năm 2015 và chính phủ Nga đã ban hành nghị định gia hạn các biện pháp trừng phạt đáp trả những quốc gia ủng hộ lệnh trừng phạt đối với Nga.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Quan điểm, một trong những tờ báo điện tử có lượng truy cập lớn nhất tại Nga.