Méo miệng, mất tiếng vì rét đột ngột
Sau những ngày nắng, độ ẩm cao, miền Bắc đón đợt rét đậm, các bác sĩ cảnh báo thời tiết thay đổi đột ngột là nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý nguy hiểm.
Chị Lê Thị Hường (Hoài Đức, Hà Nội) đến bệnh viện khám vì thấy mặt mình hơi lệch. Chị Hường cho biết tối ngày 30/11 chị đi làm về gặp rét nhưng vì không chuẩn bị áo ấm nên nhiễm lạnh, biểu hiện ban đầu là 1 bên nước mắt cứ chảy ròng tưởng là do thiếu ngủ.
Hôm sau bên mang tai đau, mồm méo lúc đầu chị nghĩ mình bị quai bị. Sau seach google thấy triệu chứng của liệt dây thần kinh số VII, chị Hường tức tốc vào viện.
Sau khám, bác sĩ cho biết chị Hường bị viêm dây thần kinh số 7 do nhiễm lạnh. Bác sĩ kê đơn điều trị bằng thuốc chống phù nề presonal, châm cứu, xoa bóp 1 lần/ngày. Bác sĩ cho biết chị Hường phải mất từ 10 đến 20 ngày mới hồi phục.
Trao đổi với Infonet, PGS Nguyễn Thị Hoài An – chuyên gia tai mũi họng, Giám đốc BV Đa khoa An Việt cho biết thời tiết lạnh quá là tác nhân gây ra hàng loạt bệnh viêm mũi họng nhất là các bệnh như viêm thanh quản cấp tính khiến người bệnh mất tiếng, viêm mũi họng, sưng amidan, viêm tiểu phế quản. Đặc biệt, trẻ có tiền sử viêm mũi họng thì thời tiết thay đổi đột ngột càng tăng nguy cơ mắc các bệnh này hơn.
Ví dụ như trường hợp của một bệnh nhân đến từ Cầu Giấy, Hà Nội khám ngay chiều 1/12 do bỗng dưng ngủ dậy nói mất tiếng. Sợ hãi cô gái đế bệnh viện khám. BS An cho biết cô gái bị viêm dây thanh quản cấp do nhiễm lạnh.
Với trẻ nhỏ trời rét làm gia tăng tình trạng ho nhất là về đêm. PGS An lý giải bắt nguồn từ nguyên nhân, nhiệt độ môi trường hạ thấp kết hợp cùng không khí khô dẫn đến kích thích cuống họng.
PGS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết rét đậm đột ngột ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém đặc biệt là ở trẻ sức đề kháng kém.
Trời lạnh nhiều cha mẹ còn chủ quan ảnh hưởng tới trẻ. Đặc biệt đang lưu hành các bệnh như cúm, dịch adenovirus nếu thay đổi thời tiết đột ngột làm gia tăng nguy cơ trẻ ốm nhiều hơn.
PGS Dũng cho biết để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang.
Cha mẹ cần thường xuyên chú ý đến trẻ, tránh để trẻ toát mồ hôi, ngấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh, viêm phổi.
Để phòng bệnh, PGS An khuyến cáo khi nhiệt độ giảm sâu tốt nhất cần giữ ấm cơ thể nhất là vùng đầu cổ để bảo vệ "cửa ngõ" của cơ quan hô hấp, nhất là người già.
Theo GS Nguyễn Gia Bình – nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, thời tiết rét những người bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch cũng hết sức lưu ý với cơn đột quỵ đặc biệt khi tiếp xúc với nhiệt độ thay đổi ngột ngột như từ trong nhà ra môi trường, từ trong chăn dậy. Bởi vì mỗi năm khi thời tiết thay đổi, chuyển lạnh cũng làm gia tăng bệnh nhân mắc đột quỵ.
Nguyên nhân là do thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường, Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch.
Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng vô cùng nặng nề.
K.Chi