Medvedev sợ Ukraine sẽ tan rã như Liên bang Nam Tư
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trong thời gian trả lời phỏng vấn RTV Slovenia |
Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh và truyền hình Slovenia (RTV Slovenia) trước thềm chuyến thăm chính thức tới nước này, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết việc Liên bang Nam Tư tan rã là “rất đau đớn” và so sánh cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Ukraine có nguy cơ như sự tan rã của Liên bang Nam Tư.
"Tôi đang hồi tưởng về sự tan rã của Liên bang Nam Tư bởi vì, tôi hy vọng sau một thời gian chúng ta không phải chứng kiến kịch bản này có thể lặp lại ở một quốc gia khác, đó có thể là Ukraine”, Thủ tướng Medvedev giải thích.
Theo ông Medvedev, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Ukraine chủ yếu là do yếu tố con người tạo nên và cho rằng Ban lãnh đạo trước đây và hiện tại của Ukraine có lỗi rất lớn trong cuộc khủng hoảng này.
Ngoài ra, người đứng đầu nội các Nga nhấn mạnh rằng vấn đề chỉ có thể giải quyết bởi chính người dân Ukraine. Theo ông Medvedev, Kiev phải tuân thủ các thỏa thuận Minsk và Lực lượng ly khai phải sẵn sàng thỏa hiệp.
Tháng Tư năm 2014, Tổng thống lâm thời Ukraine, Oleksandr Turchynov tuyên bố bắt đầu các "hoạt động chống khủng bố" ở Donbass. Tháng 5/2014, tại khu vực Lugansk và Donetsk đã diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết, kết quả là Lugansk và Donetsk tuyên bố trở thành nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng và ly khai với chính quyền trung ương Kiev.
Hiện nay, Donbass đang thực hiện chế độ ngừng bắn. Các thỏa thuận ngừng bắn (Minsk) đã được các nhà lãnh đạo của Ukraine, Nga, Đức, Pháp ký kết tại Minsk vào tháng Hai năm 2015. Mặc dù vậy, các bên xung đột thường xuyên cáo buộc lẫn nhau tiếp tục các hành động quân sự tại khu vực xung đột và vi phạm các thỏa thuận Minsk.
Ngoài ra, Kiev thường xuyên cáo buộc quân đội Nga tham gia trực tiếp trong các cuộc chiến tại Donbass. Moscow đã luôn bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Cộng hòa Liên bang nhân dân Nam Tư được thành lập vào năm 1945, sau này trở thành nước Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa. Liên bang Nam Tư gồm Bosnia & Herzegovina, Macedonia, Serbia, Slovenia, Croatia và Montenegro.
Liên bang Nam Tư bắt đầu tan rã từ năm 1991-1992 với việc tách riêng thành bốn nước cộng hòa: Slovenia, Croatia, Bosnia & Herzegovina và Macedonia. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc được đưa vào lãnh thổ của Bosnia & Herzegovina, và sau đó các khu vực tự trị Kosovo.
Năm 1999, Mỹ và các đồng minh đã tiến hành một chiến dịch quân sự tại Kosovo. Năm 2006, Liên bang Nam Tư chính thức bị xóa sổ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin lenta, trang chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, quân sự và đặc biệt là các thông tin về tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết.