Mẹ không phải “siêu nhân”, đừng cố hy sinh vì con cái
Nhiều người đã làm mẹ cho hay, tâm lý phải hi sinh, cố gắng làm tất cả gây tổn hại tinh thần và khiến những người mẹ phải trả giá bằng chính sức khỏe.
Mỗi năm vào Ngày của Mẹ, mọi người thường đăng những bức ảnh cũ của gia đình lên mạng xã hội, ca ngợi những người mẹ đã hy sinh tất cả vì con: "Mẹ đã bỏ bất cứ điều gì mẹ đang làm để giúp con”, "Mẹ chưa bao giờ mua thứ gì cho bản thân để chúng con có được mọi thứ mình muốn”, “Mẹ bên con trong mọi cuộc vui dù phải hy sinh thú vui của mình”,…
Những bài viết ngọt ngào đó được viết với mục đích tôn vinh người mẹ nhưng vô tình khiến quan niệm một người mẹ tốt thì phải hy sinh ngày càng khắc sâu.
Giảng viên Elizabeth Velez, chuyên gia nghiên cứu phụ nữ của Đại học Georgetown cho biết: “Mẹ phải hy sinh bản thân là điều rất được kỳ vọng trong nền văn hóa này”.
Trong những năm gần đây, người ta thừa nhận nhiều hơn rằng phụ nữ ngày càng chịu nhiều gánh nặng chăm lo gia đình - cả hữu hình và vô hình - cho dù họ có đi làm hay không.
Những người phụ nữ cho hay, tâm lý phải hi sinh, cố gắng làm tất cả, gây tổn hại tinh thần và khiến họ phải trả giá bằng chính sức khỏe.
Ảnh minh họa.
Kỳ vọng người mẹ dành nhiều thời gian và sức lực để nuôi dạy con cái đã thực sự bùng nổ vào những năm 1980 và 1990 - cùng thời điểm mà ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Năm 1996, nhà xã hội học Sharon Hays đặt ra thuật ngữ “làm mẹ chuyên sâu” để mô tả tư tưởng nuôi dạy con cái này, đó là “lấy trẻ làm trung tâm, hướng dẫn chuyên môn, tiếp thu cảm xúc, sử dụng nhiều lao động và tốn kém về tài chính”.
Trở thành một “người mẹ tốt” có nghĩa là làm cho những tương tác hàng ngày với con bạn trở nên kích thích trí tuệ, lấp đầy các buổi chiều và cuối tuần bằng các hoạt động ngoại khóa phong phú, luôn cập nhật cách nuôi dạy con mới nhất.
Một cuộc khảo sát trên toàn quốc năm 2018 với hơn 3.600 phụ huynh cho thấy rằng phong cách nuôi dạy con cái chuyên sâu này là điều mà hầu hết các bậc cha mẹ, bất kể chủng tộc và tầng lớp, vẫn mong muốn ngày nay.
Hậu quả của việc bỏ qua những mong muốn và nhu cầu của bản thân vì con cái sẽ khiến những người mẹ căng thẳng, kiệt sức và bực bội. Theo cuộc khảo sát về Tình trạng làm mẹ năm 2021 của Motherly, 93% bà mẹ nói rằng họ cảm thấy kiệt sức ít nhất một lúc nào đó, 16% báo cáo luôn cảm thấy như vậy. Một nghiên cứu năm 2012 từ Đại học Mary Washington cho thấy rằng những phụ nữ ủng hộ niềm tin làm mẹ chuyên sâu có nhiều khả năng gặp phải các kết quả tiêu cực về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, ít hài lòng về cuộc sống.
Nhà tâm lý học Becky Kennedy, cho rằng quan tâm đến nhu cầu của bản thân là cách bạn thể hiện vai trò trụ cột vững chắc cho gia đình. "Quan tâm đến nhu cầu của bản thân là cũng cách bạn chăm sóc con mình", chuyên gia nói.
"Việc vẽ một bà mẹ như một kiểu siêu nhân không mệt mỏi, vị tha không tốt cho bất kỳ ai, ít nhất là con cái chúng ta. Tôi không muốn các con coi tôi như một liệt sĩ hy sinh quên mình. Tôi muốn chúng biết tôi yêu chúng bằng cả trái tim. Con cần biết chúng là một phần của gia đình, cũng như cộng đồng, có nghĩa không phải lúc nào nhu cầu của chúng cũng được đặt lên hàng đầu", nhà văn Christine Organ từng viết.
Trên thực tế, dù là người mẹ đi làm hay ở nhà nội trợ, nếu con có vấn đề gì ở trường hay bác sĩ nhi khoa thắc mắc gì, họ sẽ gọi cho người mẹ.
Giáo sư Pamela Fox, thuộc ĐH Georgetown nói: “Tôi không biết tại sao vào năm 2022, chúng ta vẫn quan niệm rằng phụ nữ là những người nuôi dưỡng tốt hơn nam giới và đóng vai trò chăm sóc trung tâm”.
Ảnh minh họa.
Chúng ta không thể thay đổi quan điểm này trong một sớm một chiều nhưng có thể làm những điều nhỏ hơn.
Người vợ nên nói với chồng những gì mình cần ở họ
Chúng ta không thể mong đợi một người làm tất cả mọi việc, điều đó không công bằng. Tuy nhiên, khi giao nhiệm vụ cho chồng, người vợ cũng phải từ bỏ quyền kiểm soát. Chồng không thể làm mọi việc như bạn. Họ hoàn thành là tốt rồi.
Nói “không” với người khác để nói “có” với chính mình nhiều hơn
Phụ nữ thường nói "Có" với những yêu cầu và kỳ vọng nuôi dạy con phi thực tế vì sợ bị buộc tội ích kỷ. Nhưng bây giờ, hãy mạnh dạn từ chối nếu bạn cảm thấy không phù hợp. Dành thời gian cho bản thân, yêu thương mình nhiều hơn để hạnh phúc. Các con và chồng sẽ vui vẻ hơn khi vợ, mẹ hạnh phúc.
Bao dung với sự thất vọng của người khác
Khi bạn bắt đầu khẳng định nhu cầu của mình nhiều hơn, những người xung quanh có thể khó chịu bởi họ đã quá quen với một người mẹ, người vợ hy sinh tất cả vì gia đình.
Chúng ta không thể đợi người khác cho phép hoặc nói với chúng ta rằng chúng ta xứng đáng được như vậy.
Ảnh minh họa.
Làm nhiều hơn những điều khiến bạn hứng thú ngoài việc nuôi dạy con cái
Trong một bài luận cho The Week , A. Rochaun Meadows-Fernandez - một nhà văn, nhà hoạt động và là bà mẹ hai con - nói rằng rất lâu trước khi có con, cô ấy đã thấm nhuần thông điệp rằng trở thành một người mẹ có nghĩa là phải từ bỏ những sở thích của mình. Cuối cùng, cô ấy nhận ra rằng sự kỳ vọng này không công bằng và nó khiến cô ấy không hạnh phúc.
"Tôi quyết định loại bỏ lối suy nghĩ 'giá như mình không phải làm mẹ' và bắt đầu sống khác", cô viết. Thay vì ở nhà trông con, cô đưa đứa bé đến các buổi gặp gỡ. Cô thôi xin lỗi khi không dành thời gian cho gia đình và tìm cơ hội cho mình. Cuộc sống của nữ nhà văn thoải mái và hạnh phúc hơn.
Ưu tiên các nhu cầu của bản thân sẽ là tấm gương tốt cho con
Kelsey Borresen, phóng viên chuyên về tình yêu, tình dục và các mối quan hệ của HuffPost Life cho biết, tháng 5 năm ngoái, khi mang thai tháng thứ 8, cô viết một tấm thiệp cảm ơn mẹ nhân Ngày của Mẹ. Cô nghĩ sẽ cảm ơn bà về những hi sinh, dù lớn hay nhỏ dành cho con trong những năm qua.
Nhưng điều Kelsey viết trong thiệp lại là những việc mẹ không hi sinh vì con cái. Bà đến phòng tập thể dục mỗi sáng để tiếp năng lượng cho ngày mới. Mỗi tối Chủ nhật, bà xem TV cùng chồng, mặc kệ con cái. "Chính mẹ đã cho tôi thấy tầm quan trọng của việc ưu tiên những điều mang lại hạnh phúc cho chính mình, ngay cả khi đã có con", cô nói.
Tối đó, cô thức dậy thì đọc được tin nhắn của mẹ: "Mẹ rất vui vì đã làm gương cho con, vì đó là bài học quan trọng. Con hoàn toàn có thể trở thành một người mẹ, con gái, chị gái, vợ/chồng, nhân viên, người quản lý, bạn bè tuyệt vời nếu biết ưu tiên sức khỏe thể chất, tinh thần của mình”.
Dù thế nào vẫn thương mẹ chồng cũ
Tái hôn, chị mới biết hóa ra mẹ chồng cũ thương chị rất nhiều. Chẳng qua, bà bị mắc kẹt trong trách nhiệm làm dâu mà thôi.
Theo giadinhonline.vn