Mấy đời người rồi phải không ba?
Những cuộc chia ly luôn có dấu hiệu, chỉ là người ta hoặc không cảm nhận được hoặc là không tin, hoặc do có quá nhiều hy vọng…
Mùa xuân vừa rồi có lẽ là mùa xuân ấm áp nhất của nhà mình, ba ạ! Con gái sau nhiều năm ăn tết nhà chồng, năm nay mới về lại nhà mình. Cũng tháng 11 rồi, con vừa về nhà giỗ ba. Về nhà, cái tiếng kỳ diệu này, dù có nói bao nhiêu lần vẫn thấy rung động.
Má ngồi nhìn tụi con, cười miết vì cả bầy con về đầy đủ. Rồi má dọn lên bàn thờ ba chỉ toàn món chay để cúng. Con hay cười thầm, rằng ngày xưa ba ghét ăn chay. Mà thôi, con nghe nói, cúng chay thì người đã mất mới được phước, nên ráng nghen ba.
Tụi con bốn anh em về ngồi bên mộ ba, trò chuyện về tuổi thơ, về những điều xưa cũ. Những ngây thơ xa xưa đó làm tụi con bật cười. Con nghĩ cười là cười vậy, chứ chắc lòng ai cũng rưng rưng. Những câu chuyện có ba dự phần trong đó, như chuyện ba đưa các anh sang Sa Đéc học, mấy ba con cùng ở trong căn phòng tập thể chật chội.
Cái trường tiểu học ở bên kia đường, cách nhà tập thể một công viên nên có thể đi bộ sang đó. Nhưng sự thật là ba chưa bao giờ đưa đứa nào đến trường mà thường xuyên vắng nhà nên những đứa trẻ tự chăm sóc nhau. Tuổi thơ vậy mà thành một trải nghiệm, cũng đầy sóng gió, bắt đầu cho những bước trưởng thành.
Giá mà lúc còn bên nhau, ba hay con hay má hay các anh em mình bớt đi một chút những thứ ngăn cách (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Những câu chuyện về ba đôi khi cũng khiến tụi con bùi ngùi, dù buồn hay vui, dù thương hay ghét. Ngày ba còn sống, con nghe má kể nhiều chuyện buồn về ba, rồi bản thân con cũng chứng kiến. Kỳ lạ sao khi con lại chỉ giận, rồi lại thương, rồi lại giận… Sống một đời, mấy ai nhận ra cái sai của mình. Đến lúc nhận ra hay chỉnh đốn thì thời gian lại không còn mấy nữa rồi.
Con viết mấy dòng này chẳng phải để trách cứ ba. Những chuyện gia đình ta hay chính con đã trải qua, cảm giác như mấy đời người và giờ có thể ba đã ở một nơi nào đó, đâu còn là người cha hay nhăn nhó khi tụi con làm sai.
Tuy nhiên, hình ảnh con nhớ về ba không hẳn là vậy. Đó còn là cảnh ba bối rối khi lần đầu ẵm cháu. Ba thương tụi nhỏ bằng tấm lòng của một người ông đầy bao dung. Nhờ vậy mà con phát hiện ra ba rất hay giấu cảm xúc của mình, như lúc con quẹo xe vào cổng bệnh viện quân y, rõ ràng thấy ba đứng ở hành lang ngó xuống, rõ ràng thấy ba lật đật quay vào phòng. Ba không muốn con thấy ba đứng đợi.
Chiều đó con mua một chiếc chiếu mới, hớn hở đem lên trải giường cho ba nằm, còn cầm theo chiếc đài mua ở chợ đồ cũ vì biết ba thích đọc báo, nghe đài. Hôm đó, lòng con hân hoan nghĩ ba sẽ dưỡng bệnh ít hôm như mọi khi, rồi lại về.
Song, những cuộc chia ly luôn có dấu hiệu, chỉ là người ta hoặc không cảm nhận được hoặc là không tin, hoặc do có quá nhiều hy vọng…
Ba thương tụi nhỏ bằng tấm lòng của một người ông đầy bao dung (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Nếu con viết mấy dòng này lúc ba còn sống, không biết con có dám đưa cho ba đọc. Chắc là không. Nhà ta vẫn không quen phơi bày cảm xúc cùng nhau. Lẽ nào ai cũng sợ bị phụ bạc, bị tổn thương… mà cứ phải vờ mạnh mẽ. Con nghĩ giá mà lúc còn bên nhau, ba hay con hay má hay các anh em mình bớt đi một chút những thứ ngăn cách, để mỗi lần bên nhau có thể bày tỏ nhiều hơn.
Con không biết nơi đang ở, ba có hằng ngày ngồi hát khúc quân hành hay những bài tình yêu của người lính trận - những bài hát đã theo chân ba trong những tháng năm chiến đấu. Ba yêu quý tuổi trẻ của mình. Có lẽ cuộc mộng này đưa ba trở thành người hùng, mà khi bỏ áo quân nhân, trở về thực tại, ba vẫn không dứt mơ màng.
Và con gái của ba, đứa con tự nhận mình tinh tế, hóa ra lần đầu tiên mới nhìn sâu vào mắt ba, qua di ảnh. Con nhìn, rồi thầm thì rằng cơn đau của con đã hết. Kiếp của người bên người, đâu phải dễ mà thành một gia đình, phải không ba?
Theo phunuonline.com.vn