Máy bay ném bom B-17: Hung thần của Thế chiến II
Là biểu tượng của Thế chiến II, máy bay nổi tiếng nhờ khả năng tấn công mạnh mẽ cũng như khả năng chịu đựng hỏa lực đáng kinh ngạc khi lâm trận.
“Nếu không có B-17, chúng ta có lẽ đã thua trận”, tướng Mỹ thời Thế chiến II Carl Spaatz từng nói.
Trong suốt 10 năm, B-17 là máy bay ném bom chính của Mỹ được điều động tại châu Âu. Dưới đây là một loạt ảnh về B-17, kể từ giai đoạn thử nghiệm cho đến khi được vinh danh trong lịch sử.
Máy bay Boeing Mẫu 299, sau này được biết đến dưới cái tên B-17, được chế tạo trong khuôn khổ một cuộc thi do Không quân Mỹ tổ chức nhằm tìm ra một loại máy bay ném bom có thể bay nhanh hơn 320km/h, mang theo 1 tấn bom và có tầm hoạt động trên 1650km. |
Dự án 299 hoàn toàn do Boeing chi trả chi phí mà không có sự hỗ trợ từ phía chính phủ Mỹ. Việc tham gia cuộc thi này là một bước đi đầy rủi ro đối với Boeing, lúc đó là một hãng mới thành lập. |
Mặc dù đã lập kỷ lục bay một quãng đường dài 3.400km từ thành phố Seattle tới bang Ohio ở Mỹ, cuối cùng Boeing đã thua cuộc sau khi bản mẫu thử nghiệm đâm xuống đất do lỗi kỹ thuật. |
Tuy nhiên, khi chiến tranh ở châu Âu bùng nổ, Mỹ cần một loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa như B-17. Trong năm 1940, đã có 20 chiếc B-17 được chuyển cho Lực lượng Không quân hoàng gia Anh. Máy bay được vội vã triển khai nhưng không mang lại kết quả khả quan. |
Sau đó, phần đuôi của máy bay được gia cố thêm để có thể bay cao hơn, ngoài ra còn được thêm các khẩu súng máy 50 ly ở phía sau và bên dưới máy bay để có thể bảo vệ khỏi các máy bay tiêm kích khi đang làm nhiệm vụ oanh tạc. Phiên bản này có tên là B-17E. |
B-17E là chiếc phi cơ đầu tiên được sản xuất hàng loạt của dòng máy bay này. Nó có 9 ụ súng máy, cùng các loại vũ khí hạng nặng khác và mang được gần 2 tấn bom. Các phiên bản sau đó còn được trang bị kỹ càng hơn nữa. |
Phần lớn các loại máy bay B-17 có một tổ bay gồm 10 người, và những ai tham gia lái phi cơ này đều đánh giá cao khả năng chống chịu hỏa lực địch ngay cả khi một động cơ bị hỏng vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách an toàn. Những kỹ sư dưới đất cũng đã đóng vai trò thầm lặng nhưng quan trọng khi đã giúp các máy bay B-17 được đảm bảo sẵn sàng tham chiến. |
Suốt chiều dài cuộc chiến, các máy bay B-17 đã thả tổng cộng 640.036 tấn bom tại châu Âu (chỉ tính riêng các cuộc oanh tạc ban ngày), chủ yêu nhằm vào sân bay và nhà máy vũ khí của Phát xít Đức. |
Cái tên “Pháo đài bay” được đặt cho B-17 là bởi một loạt ụ súng máy được đặt ở phía trước, hai bên, phía sau và bên dưới máy bay, giúp cho nó có thể chống lại máy bay tiêm kích của địch. |
Nhờ có các ụ súng này, B-17 hiệu quả gấp 2 lần so với các máy bay ném bom cùng thời trong việc bắn rơi máy bay địch. Một phi đội của Mỹ xác nhận đã bắn hạ 420 máy bay địch, 238 chiếc có thể đã bị tiêu diệt và 127 chiếc bị hư hỏng. |
Sau Thế chiến II, B-17 còn tham chiến tại Triều Tiên, Israel và Việt Nam. |
Ngày nay, số lượng B-17 vẫn còn trong tình trạng hoạt động tốt chỉ còn chưa đầy 100 chiếc. Đến cuối Thế chiến II, B-29 và sau này là B-52 đã được đưa vào để dần thay thế B-17, nhưng chiếc oanh tạc cơ này vẫn là biểu tượng gợi nhắc về cuộc chiến tranh bi tráng trong lịch sử loài người. |
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…