Máy bay JF-17 của Trung Quốc được nhiều nước "săn đón"
Máy bay sử dụng một động cơ Klimov RD-93 có khả năng đốt phụ, cho phép máy bay có thể tăng tốc nhanh chóng. Trung Quốc cũng đang phát triển động cơ phản lực của riêng mình có tên là WS-13, dự kiến trong tương lai sẽ thay thế RD-93.
Máy bay JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất. |
Phiên bản của Pakistan thường được trang bị súng máy GSh-23 23mm hoặc GSh-30 của Nga. Máy bay có tải trọng khoảng 3,7 tấn và thường sử dụng tên lửa không đối không tầm trung PL-12 hoặc PL-7, PL-8, PL-9 cũng như AIM-9 Sidewinder của Mỹ.
Từ lâu, Trung Quốc và Pakistan đã tìm cách để xuất khẩu JF-17 ra các nước ngoài. Họ đã mang máy bay đến các triển lãm hàng không nổi tiếng trên thế giới như Farnborough, Paris, Chu Hải và Dubai, nhấn mạnh vào giá thành rẻ của nó so với các mẫu máy bay của phương Tây và Nga. Một số thông tin cho rằng đã có một số quốc gia châu Á đặt mua JF-17.
“Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận bán phi cơ JF-17 cho một quốc gia châu Á”, tướng Không quân Pakistan Khalid Mahmood cho biết. Ông không tiết lộ tên của nước khách hàng cũng như số máy bay mà họ sẽ mua về, tuy nhiên ông xác nhận rằng việc bàn giao sẽ bắt đầu vào năm 2017. Một số nguồn tin cho biết, quốc gia này là Myanmar và họ có thể sẽ mua về từ 16 đến 24 chiếc.
Bên cạnh đó, nhiều nước khác trên thế giới cũng bày tỏ sự quan tâm đến JF-17. Mới đây Morocco đã mời hai nước trình bày JF-17 tại triển lãm hàng không Marrakesh, và quân đội nước này đang cần thay thế các máy bay F-16C/D đang ngày càng lạc hậu. Bên cạnh JF-17, Morocco cũng đang xam xét lựa chọn máy bay Rafale của Pháp.
Vào ngày 22/12, Malaysia cũng tuyên bố bày tỏ mong muốn mua JF-17. Thông tin này được ông Hasrul Sani, một quan chức cấp cao của Pakistan công bố. “Tôi nghĩ phía Malaysia đang rất quan tâm đến loại phi cơ này bởi Pakistan có một nền công nghiệp quốc phòng khá lớn, sản xuất được các loại khí tài rẻ hơn so với các nước phương Tây do nhân công chi phí thấp”, ông nói.
“Đây là những loại vũ khí đã được nhiều lực lượng vũ trang trên thế giới kiểm chứng chất lượng. Đó là lý do vì sao nhiều nước đang phát triển mong muốn mua các thiết bị quân sự của Pakistan”, ông Sani nói thêm. Từ lâu Malaysia có kế hoạch thay thế các máy bay F-5E/F do Mỹ cung cấp, cùng phi cơ MiG-29 mà nước này mua về từ Nga. Điều này có nghĩa là nước này có thể mua về từ 36 đến 40 chiếc.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.