Mâu thuẫn gia đình, phụ nữ trẻ Hà Nội uống nửa chai nước rửa bồn cầu
Do mâu thuẫn gia đình, người phụ nữ 22 tuổi đã uống ½ chai nước tẩy rửa bồn cầu Okay của Thái khiến bệnh nhân nôn ra dịch nâu đen lẫn dịch tiêu hóa.
Hình ảnh nội soi đường tiêu hóa của bệnh nhân bị viêm loét phù nề, xung huyết mạnh |
Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai thông tin đơn vị này đang điều trị cho 1 bệnh nhân bị ngộ độc chất ăn mòn do “uống nhầm” ½ chai nước tẩy rửa bồn cầu Okay của Thái Lan.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, đây là 1 bệnh nhân nữ, 22 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội.
Ngày 10/6, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm trong tình trạng nôn nhiều, mất nước, nhiễm toan chuyển hóa.
Theo lời kể của người nhà, do mâu thuẫn gia đình, vào khoảng lúc 18h ngày 10/6, bệnh nhân đã uống ½ chai nước tẩy rửa bồn cầu Okay của Thái Lan. Sau uống, bệnh nhân nôn nhiều, nôn ra dịch nâu đen lẫn dịch tiêu hóa, đau bụng vùng thượng vị và được gia đình đưa tới Trung tâm y tế huyện Đan Phượng, xử trí truyền dịch, sau đó chuyển tới Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả nội soi toàn bộ đường tiêu hóa của bệnh nhân cho thấy niêm mạc thực quản bị phù nề xung huyết, có loét nông kèm theo giả mạc trắng, long tróc biểu mô thực quản.
Dạ dày bệnh nhân có nhiều dịch đen bẩn. Toàn bộ niêm mạc dạ dày viêm loét phù nề xung huyết mạnh. Niêm mạc hành tá tràng và tá tràng cũng viêm loét phù nề, xung huyết mạnh. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi sát sao, duy trì dinh dưỡng, kháng sinh…
Cũng theo BS. Nguyên, sau 2 tuần nữa, bệnh nhân sẽ được nội soi lại toàn bộ đường tiêu hóa để có hướng điều trị tiếp theo.
Trên toàn thế giới, 80% số ca ngộ độc hóa chất ăn mòn xảy ra ở trẻ nhỏ; đây thường là những vụ tai nạn với một lượng nhỏ và thường lành tính. Ở người lớn, ngộ độc hóa chất ăn mòn thường do tự tử với số lượng lớn và đe doạ đến tính mạng. nguồn hóa chất ăn mòn bao gồm chất rắn và lỏng và chất tẩy rửa nhà vệ sinh. Bệnh nhân ngộ độc hóa chất ăn mòn thường bị bỏng, xuất huyết, thủng dạ dày, về lâu dài rất dễ bị hẹp thực quản, co rút, dày dính các bộ phận của đường tiêu hóa. Đã có một vài ca do bỏng hóa chất gây hoại tử dạ dày, đại tràng và đã tử vong. Việc chữa trị cũng kéo dài và khó khăn, tỷ lệ tử vong cao. Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận ít nhất 3 bệnh nhân tử vong do ngộ độc chất ăn mòn.
Qua trường hợp này, bác sĩ Trung Nguyên khuyến cáo cần có những cảnh báo rõ ràng về các hóa chất sử dụng trong gia đình, mức độ độc hại của chúng với sức khỏe để người dân hạn chế sử dụng và nếu sử dụng phải có phương tiện phòng hộ đầy đủ. Theo đó, các sản phẩm nhập khẩu cần có thông tin đầy đủ về hướng dẫn sử dụng, mức độ an toàn và các khuyến cáo khi sử dụng. Các hóa chất này cũng cần để xa tầm với của trẻ em và người già.
N. Huyền