Máu bác sĩ đổ xuống vì họ bị tước mất vũ khí tự vệ
Bác sĩ Lê Quang Dương dù rất thông cảm với gia đình cháu bé nhưng anh vẫn mong kẻ hành hung bác sĩ được xử lý để làm gương |
Bác sĩ tự bảo vệ mình chẳng dễ
Bác sĩ Hùng chia sẻ, 12 năm làm ở khoa hồi sức cấp cứu, không tuần nào không nghe thấy đồng nghiệp ở các tuyến kể chuyện bạo hành nhân viên y tế. Và các bác sĩ trong khoa A9, chưa ai là chưa bị dính vào chuyện bị người nhà đe doạ, chửi bới và hành hung.
Một trong những câu chuyện buồn đó, dẫn tới việc bác sĩ phải theo kiện rất lâu, là của một đôi vợ chồng đến cấp cứu vì đau bụng. Các bác sĩ khám không có vấn đề gì đặc biệt. Trước đó 2 vợ chồng cãi nhau, vợ stress rồi nửa đêm về sáng họ đưa nhau đến viện. Anh chồng chửi bới, lăng mạ và đỉnh điểm là hành hung tua trực, trong đó có cả điều dưỡng đang mang thai.
Vụ việc lùm xùm trên dư luận và không ít người nói rằng không có lửa làm sao có khói, lúc đó Thạc sĩ Hùng được đồng nghiệp và các thầy động viên, anh đã theo vụ việc đến cùng. Đây có lẽ là vụ hiếm hoi các nhân viên y tế bạo hành được trả lại cái oan “không có lửa làm sao có khói”.
Kẻ hành hung bác sĩ bị lãnh án 18 tháng tù.
Thạc sĩ Hùng nhớ lại những ngày đi theo vụ kiện rất mệt mỏi và tốn thời gian khi phải liên tục gặp mặt công an lấy lời khai rồi đi xác minh đủ thứ. Đó là thứ khiến các bác sĩ ngại, vì mất công mất việc. Thế nên khi các vụ việc xảy ra, họ thường im lặng vì nghĩ rằng lôi nhau ra toà cũng không đáng.
Trước đó khoa A9 cũng có nữ nhân viên bị bọn thanh niên du côn đánh ngất xỉu, tưởng bị vỡ gan. Rồi tất cả lại chìm đi, người nhà xin lỗi 1 câu là xong.
Rồi vụ bác sĩ sắp đến ngày về hưu, đang cấp cứu bệnh nhân ngừng tim thì bị người nhà đâm chết. Kẻ thủ ác và gia đình liền tìm mọi cách đổ lỗi cho bác sĩ đã bị chết với đủ mọi lý do…
“Những vụ báo chí đưa tin chỉ là 1 phần nhỏ của sự thật diễn ra hàng ngày về nạn bạo hành y tế diễn ra ở khắp các tuyến. Và trong đầu mọi người mặc định là khi có rắc rối xảy ra, thì phần sai là ở nhân viên y tế.
Ngay cả các lãnh đạo thường lựa chọn yên lặng hoặc là né tránh báo chí bằng những câu chuyện vô thưởng vô phạt vì nghĩ rằng họ sẽ bới móc. Với những người làm nghề bác sĩ, họ chỉ cần có môi trường an toàn để làm việc. Và lãnh đạo ngành cần nhìn nhận thực tế công việc, làm việc công tâm chứ đừng chạy theo dư luận, mệt lắm”– bác sĩ Hùng chia sẻ.
Nghề nguy hiểm vì bị tước mất "vũ khí"
TS Võ Xuân Sơn thì cho rằng, nghề y không nguy hiểm bằng công an, bộ đội, hay so với những người thợ phải leo trèo, hoặc làm việc ở nơi thời tiết khắc nghiệt... Nhiều nghề nhìn bên ngoài có vẻ nguy hiểm hơn nhân viên y tế nhiều.
Nhưng xét trên góc độ khả năng tự bảo vệ, thì nhân viên y tế là những người bị tước bỏ khả năng tự vệ. Chính vì vậy, nhân viên y tế trở thành nghề nguy hiểm hơn nhiều so với những nghề nguy hiểm khác.
Những khẩu hiệu kiểu như "lương y như từ mẫu", hay những cách hiểu sai trái nhưng khá phổ biến về y đức chính là những thứ đang tước đi khả năng tự vệ, khả năng phản kháng của tất cả nhân viên y tế.
Người hành nghề y là người luôn phơi mình trước những nguy hiểm chực chờ. Họ không được phép phản kháng, không được phép phòng vệ chính đáng. Họ là những người lính, bị tước bỏ vũ khí khi ra trận, nhưng vẫn cứ phải ôm cờ. Khi bị đánh đập, đâm, chém, đổ máu, họ chỉ còn biết co cụm lại với nhau, rồi chờ đến lượt mình bị đâm trong tuyệt vọng.
TS Sơn bức xúc: “Tát một nhân viên hàng không, kẻ hành hung bị cấm bay. Tại sao đâm chết nhân viên y tế, đánh đổ máu nhân viên y tế lại không bị cấm chữa bệnh?”
Sau sự việc của bác sĩ Lê Quang Dương, các bác sĩ đồng nghiệp ai cũng xót xa và đặt ra câu hỏi vì sao máu của nhân viên y tế thì không làm ai lay động cả? Các bác sĩ chỉ mong kẻ hành hung bác sĩ sẽ được xử phạt đúng hành vi của mình để làm gương cho xã hội, góp phần bảo vệ bác sĩ, giúp họ yên tâm làm việc.