Mất điện ‘đổ thêm dầu vào lửa’ ở Ai Cập
Tình trạng mất điện đã làm dấy lên các cuộc biểu tình đường phố ở khắp Ai Cập và trên các trang mạng xã hội, người người kêu gọi nhau dừng thanh toán hóa đơn tiền điện. Tình trạng trên gia tăng những thách thức đối với Tổng thống Mohammed Morsi và phá hoại những nỗ lực của ông trong việc khôi phục lại tình trạng ổn định kể từ sau cuộc nổi dậy năm 2011 của đất nước này.
Hai người đàn ông Ai Cập đang chơi bi-da dưới ánh nến tại một câu lạc bộ ở quận Mohandessin, Giza, Ai Cập, hôm 25/5/2013. |
Ông Morsi cho biết Ai Cập đang có vấn đề thực sự về năng lượng, các tua bin phát điện đã lỗi thời.
Sự gia tăng đột biến các loại tội phạm, bạo lực đường phố và bất ổn chính trị càng khiến cho Ai Cập ngày càng bị ‘xa lánh’ bởi khách du lịch và các nhà đầu tư; sau đó dẫn đến việc đất nước này bị thiếu tiền để mua những nguyên liệu cần thiết cho các nhà máy điện.
Ở thành phố Luxor, một điểm du lịch nổi tiếng, gần đây, tình trạng mất điện xảy ra thường xuyên ở sân bay quốc tế và trong ngôi đền Ai Cập cổ đại đã dấy thêm lo ngại rằng, mất điện sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lượng du khách tới đây.
Tình trạng thiếu nhiên liệu đã cản trở cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người. Trong nhiều tháng nay, người dân đã phải xếp hàng dài để mua nhiên liệu được trợ cấp. Một số chủ nhà máy đã phải chuyển sang thị trường chợ đen.
Tình trạng mất điện đã trở thành biểu tượng rối loạn của thời kỳ hậu Mubarak.
Mohammed Saber Saber , một tài xế xe 30 tuổi nói: "Đây chắc chắn là do sự quản lý yếu kém của nhà nước. Tổng thống không có đủ khả năng. Tình trạng này không xảy ra trong thời gian Hosni Mubarak nắm quyền".
Morsi cho biết chính phủ của ông sắp xếp cắt điện tối đa hai giờ mỗi ngày, và mỗi ngày tối đa 2 lần. Tuy nhiên, cư dân của những thị trấn nghèo cho rằng thời gian mất điện lâu hơn rất nhiều.
Amir el-Deeb, 29 tuổi, người sống ở một huyện nghèo Boulaq el-Dakrour Giza gần thủ đô Cairo, cho biết ở đây mỗi ngày mất điện tới 5 lần.
Chính phủ đã kêu gọi người dân giảm việc sử dụng điện trong mùa hè. Năm ngoái, Thủ tướng Hesham Kandil đã bị chế giễu khi khuyên các thành viên trong gia đình nên tập trung ở một căn phòng và mặc áo cotton để giảm việc sử dụng điều hòa.
Nhiều người cho biết những ý kiến trên của ông Kandil đã cho thấy chính phủ không có giải pháp cụ thể nào cho cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong khi đó các nhóm đối lập cho rằng chính phủ đang thất bại trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân.
Một số người dân đã từ chối thanh toán hóa đơn tiền điện nhằm phản đối tình trạng mất điện.
Omar Wally, người khởi sướng chiến dịch tẩy chay thanh toán hóa đơn điện trên Facebook nói, ông Morsi đã nắm quyền gần một năm và vấn đề này dường như trở nên tồi tệ hơn.
Người phát ngôn của Bộ Điện lực, Aktham Mohamed Abou El-Ela cho biết chính phủ đã dành 200 triệu USD để mua nhiên liệu cho các nhà máy điện.
Từ khi cựu Tổng thống Mubarak bị lật đổ, Ai Cập trở nên bất ổn, du lịch và đầu tư nước ngoài bị trì trệ. Dự trữ ngoại tệ của chính phủ đã giảm mạnh, đồng tiền mất giá, nhiều dự án khai thác dầu mỏ quan trọng tại nước này hiện lại nằm trong tay các tập đoàn nước ngoài.