Mảnh lược xác máy bay của mối tình thời chiến, người phụ nữ 51 lần lặn lội vào Quảng Bình tìm được mộ người yêu
Ông tặng bà chiếc nhẫn do chính tay mình làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ, còn bà tặng ông chiếc khăn tay trắng thêu hoa hồng tím. Họ mật ước, nếu bà nhận được chiếc khăn tay do đồng đội trao lại, nghĩa là ông đã hy sinh
“Chiến tranh” - hai từ khi nhắc đến gợi cho chúng ta về sự tàn khốc, ác liệt,những cuộc chia ly. Với các thế hệ đã tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam, đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, sức mạnh để vượt qua những năm tháng đau thương, mất mát chính là lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu Tổ quốc và tình yêu lứa đôi trong sáng, thiêng liêng.
Họ đã viết nên những mối tình đi cùng năm tháng, để mỗi khi nhắc lại, chúng ta lại càng trân trọng, thêm tin vào tình yêu và những điều đẹp đẽ trong cuộc sống.
Những câu chuyện, kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” gồm những lá thư đã nhuốm màu thời gian, những tấm hình, nhật ký, kỷ vật của những mối tình trong bom đạn, xa cách và chia ly được lật giở lại, nhắc nhớ về một thời hào hùng lịch sử. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ “Trái tim người lính” trưng bày triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh”, trao tặng hiện vật và giao lưu nhân chứng lịch sử.
51 chuyến đi tìm mộ người yêu liệt sĩ khi đã yên bề gia thất
“Mối tình không tuổi” giữa bà Vu Thị Lui và liệt sĩ Trần Minh Tiến gây nhiều xúc động cho người tham quan tại triển lãm.
Ông bà đã có một tình yêu phát triển từ tình bạn học cùng trường phổ thông. Bị gia đình ngăn cản vì “không môn đăng hậu đối” nhưng họ vẫn vượt qua và dành tình yêu cho nhau từ năm 1963, khi ông Tiến lên đường nhập ngũ. Đến năm 1968, ông hy sinh.
Bức ảnh chân dung bà Vu Thị Lui gửi cho người yêu nơi tiền tuyến. |
Mối tình vượt không gian và thời gian ấy có những ước mơ về tình yêu, hạnh phúc bình dị, lời hẹn ước và cả những vật đính ước họ tặng cho nhau. Ông tặng bà chiếc nhẫn do chính tay mình làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ, còn bà tặng ông chiếc khăn tay trắng có thêu bông hoa hồng màu tím. Họ đã mật ước với nhau rằng, nếu bà nhận được chiếc khăn tay do đồng đội trao lại, nghĩa là ông đã hy sinh...
Mối tình có nhiều cung bậc cảm xúc, người sẵn sàng gác tình riêng vì sự nghiệp lớn của dân tộc, người ở lại ý thứ, trách nhiệm làm tròn bổn phận của người hậu phương để người ra trận yên lòng…
Chiến tranh khốc liệt, người yêu đã không trở về. Nỗi đau đông cứng như bê tông, người con gái trẻ tưởng như không thể gượng dậy.
Thời gian trôi, bà Lui cũng đã có một gia đình yên ấm hạnh phúc với người chồng là một cựu chiến binh đã yêu thương bà và vô cùng trân trọng mối tình đầu của bà với người liệt sĩ.
Khi con cái đã khôn lớn, ròng rã suốt 8 năm (từ năm 2000 đến 2008), sau 51 chuyến đi từ Hà Nội vào Quảng Trị, bà Lui đã tìm thấy nơi liệt sĩ Trần Minh Tiến ngã xuống và đưa hài cốt của ông về an táng tại nghĩa trang Đường 9, TP Đông Hà, Quảng Trị. Cho đến nay, ông Tiến vẫn như một thành viên đang sống và không thể thiếu trong gia đình bà.
Nhận được thư mừng lắm, sướng lắm!
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Hồng. |
Bồi hồi nhớ về mối tình đi qua những tháng năm khốc liệt của chiến tranh, nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể lại: “Tôi gặp Ý và mến em từ lần đầu tiên. Khi đó là mùa hè năm 1972, tôi là chàng sinh viên báo chí về quê nghỉ hè, còn Ý là cô học sinh lớp 9 về quê ngoại chơi. Mến đấy, nhưng tôi chưa dám thổ lộ gì.
Năm 1973, biết Ý lúc này đã thi xong, trong một lần nói chuyện, biết “người trong mộng” thi sư phạm, vậy là tôi mượn bạn chiếc xe đạp, đi tới tất cả các trường sư phạm ở Hà Nội để tìm nhưng không thấy.
Không bỏ cuộc, tôi hỏi thông tin từ người em họ Ý thì biết cô ấy học ở trường Cao đẳng sư phạm 10+3 Tân Yên, Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Vậy là lại vẫn với chiếc xe đạp mượn của bạn, sức trẻ đầy nhiệt huyết, tôi lặn lội từ Hà Nội về Hà Bắc tìm em".
“Và chúng tôi đã gặp được nhau”, nhà báo Trần Hồng rưng rưng nhớ lại khoảnh khắc xúc động.
Ông chia sẻ, khi hai người chính thức yêu nhau, vì hoàn cảnh chiến tranh nên mỗi người một nơi. Chàng phóng viên báo chí mới ra trường tràn đầy nhiệt huyết cống hiến, lăn xả khắp nơi; còn cô nữ sinh sư phạm học xong thì công tác tại một trường ở Hà Bắc. Những lần được gần gỡ, tâm sự chia sẻ thật ít ỏi, tình yêu, nỗi niềm gửi vào những trang thư.
Ở những dòng viết đó, họ thông tin về công việc, gửi gắm nỗi nhớ nhung và không quên động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Công việc của tôi nguy hiểm luôn cận kề. Ý tuổi còn trẻ, chưa va vấp, niềm lo lắng dành cho nhau vượt lên cả nỗi nhớ nhung. Nhận được thư mừng lắm, sướng lắm. Vì thường những thông tin làm cho mình yên lòng”, nhà báo Trần Hồng hào hứng như đang sống lại những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, nỗi mừng vui hân hoan khi nhận thư của người yêu.
Cưới nhau đầu năm 1975 nhưng hai vợ chồng vẫn cứ đằng đẵng cách biệt. Hai con gái lần lượt ra đời. Vốn là phóng viên ảnh báo Quân đội nhân dân nên vì nhiệm vụ, nhà báo Trần Hồng luôn "nay đây mai đó". Người vợ tảo tần, đảm đang lo chu toàn việc nước việc nhà.
“Phải đến năm 1989, Ý chuyển công tác lên Hà Nội, tôi được cơ quan cấp cho một ngôi nhà nhỏ, lúc đó gia đình tôi mới chính thức được đoàn tụ”, nhà báo Trần Hồng nhớ lại.
Chia sẻ với phóng viên bên lề triển lãm, nhà báo Trần Hồng bộc bạch: "Trong thời kỳ chiến tranh, đất nước nghèo khó, những người phụ nữ có chồng đi xa như vợ tôi vất vả vô cùng". Ông kể, thời kỳ ấy, mỗi lần về phép với vợ và các con tại Hà Bắc (làng Đồng Nguyên) nơi vợ công tác, việc duy nhất ông làm là bắt cóc, mua cóc về làm thực phẩm cho con. Đó là thứ thực phẩm tốt nhất, dinh dưỡng nhất mà tôi làm được cho các con lúc bấy giờ.
So sánh tình yêu của thế hệ lớp trẻ gọi là “ông bà anh” với hiện tại, nhiếp ảnh gia Trần Hồng cho rằng, tình yêu thời nào cũng giống nhau, nhưng ở mỗi giai đoạn biểu hiện khác nhau. Bây giờ có lẽ không có thử thách nên lớp trẻ đến với nhau rất dễ, mà “cái gì dễ dãi đi rất dễ”.
N. Huyền