Mafia Ý tung hoành thời khủng hoảng
Mafia Ý tung hoành thời khủng hoảng
Theo báo cáo của nhóm chuyên chống tội phạm SOS Impresa, hoạt động cho vay nặng lãi của các nhóm tội phạm đã trở thành “tình trạng khẩn cấp của quốc gia”.
Theo Reuters, tội phạm có tổ chức có doanh thu hàng năm lên đến 140 tỷ euro (khoảng 179 tỷ đô la) và lợi nhuận lên đến hơn 100 tỷ euro.
“Với lượng tiền 65 tỷ euro có thể thanh khoản được, Mafia là ngân hàng mạnh nhất của Italia”, tổ chức SOS Impresa cho hay. Tổ chức này được lập ra ở Palermo cách đây khoảng 10 năm để chống lại các vụ việc tống tiền các doanh nghiệp nhỏ.
Từ lâu, những nhóm tội phạm có tổ chức như Cosa Nostra của Sicily, Camorra vùng Napoli hay 'Ndrangheta của Calabria đã kiểm soát nền kinh tế Ý, tạo ra lợi nhuận tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội.
Hoạt động cho vay nặng lãi đã trở nên ngày càng tinh vi và có nguồn doanh lợi lớn cùng hoạt động buôn lậu ma túy, buôn lậu vũ khí, mại dâm, cờ bạc và tống tiền.
Báo cáo của SOS Impresa cho hay: “Hoạt động cho vay nặng lãi nhỏ lẻ và cho vay trên phố kiểu cổ điển đang dần biến mất, thay vào đó là hoạt động cho vay nặng lãi có tổ chức được kết nối với các kiểu xoay vòng tiền chuyên nghiệp và hoạt động với sự bao che của những siêu cao thủ”.
Báo cáo này ước tính khoảng 200.000 doanh nghiệp phải nhờ cậy đến những kẻ cho vay nặng lãi và dẫn đến hàng chục nghìn việc làm bị mất.
Những băng đảng kiểu cổ điển chìa tiền mặt ở quán bar và quán bi-a rõ ràng giờ đây đã được thay thế bằng các nhà băng, các luật sư hay công tố viên đáng kính.
“Đó là kiểu moi tiền với một bộ mặt trong sạch. Thông qua nghề nghiệp của mình, họ biết các cơ chế của thị trường tín dụng hợp pháp và họ còn biết rất rõ vị thế tài chính của các nạn nhân của mình”, báo cáo cho biết.
Các doanh nghiệp nhỏ, những người phải vật lộn để có thể vay tiền trong thời kì kinh tế suy thoái đang ngày càng hướng đến làm ăn với mafia.
Nạn nhân tiêu biểu của hoạt động cho vay nặng lãi là các chủ cửa hàng trung niên, các chủ doanh nghiệp nhỏ, những người phải vật lộn kiếm công việc mới và sẵn sàng thử bất kì biện pháp nào để tránh bị phá sản.
“Họ thường là những người làm trong khu vực bán lẻ truyền thống như thực phẩm, rau quả, cửa hàng quần áo hay giầy dép, bán hoa hay cửa hàng đồ nội thất. Đây là những nhóm ngành nghề phải trả cái giá của khủng hoảng kinh tế cao hơn những nhóm ngành nghề khác”, báo cáo cho biết thêm.
Theo một báo cáo khác trong tuần này từ hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ CNA, trong ba tháng qua, 56% các công ty đã bị các ngân hàng thắt chặt điều kiện cho vay.
Tùng Lâm