Mặc rào cản cấm vận, thương mại giữa Nga và một số nước EU tăng mạnh
Theo dữ liệu của Cục Hải quan Liên bang Nga, 7 nước EU có doanh thu thương mại với Nga tăng lên so với năm ngoái. Đó là Bỉ (tăng 8,8%), Đan Mạch (23,2%), Latvia (18,2%), Romania (0,2%), Slovenia (2,5%), Croatia (12,4%) và Estonia (10,6%). Tuy vậy, chỉ ba nước trong số này đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Nga, cụ thể là Romania (8%), Croatia (7,5%) và Estonia (104,5%).
Một số nước EU vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thương mại với Nga. |
Cyprus cũng tăng xuất khẩu sang Nga lên 2,1%, tuy nhiên đồng thời nước này giảm nhập khẩu các mặt hàng của Nga xuống 68,3% so với năm ngoái. Vì vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Nga của Cyprus giảm 66,8% trong năm 2014 so với năm trước đó.
Các loại hàng hóa chính mà EU xuất khẩu sang Nga là máy móc và phụ tùng cơ khí, sản phẩm hóa học, các loại xe hơi và xe gắn máy, lò phản ứng hạt nhân, thuốc, sản phẩm nông nghiệp, quần áo và giày dép. Cùng lúc đó, năng lượng và các loại nhu yếu phẩm khác chiếm tỉ lệ lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Nga sang các nước EU.
Phần lớn các nước EU đều giảm xuất nhập khẩu với Nga trong năm 2015. Ngay cả những nước không có mâu thuẫn với điện Kremlin và không áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế cũng có kim ngạch xuất nhập khẩu với Nga giảm xuống.
Cụ thể, Trung Quốc, một trong những đối tác lớn của Moscow, có kim ngạch xuất khẩu sang Nga giảm 32,4% trong vòng 10 tháng so với đầu năm 2015. Ngoài ra, Hàn Quốc giảm 50,7%, Thổ Nhĩ Kỳ cũng giảm 39,7% (trước khi vụ việc máy bay Nga bị bắn rơi xảy ra), Thái Lan là 34,5%, Brazil là 20%.
Thêm vào đó, Belarus, Kazakhstan và Armenia đều giảm hợp tác với Nga trong năm 2015, mặc dù là thành viên của Liên minh Âu – Á, họ được phép giao thương với Nga.
Có thể thấy rằng lệnh cấm vận mà châu Âu áp đặt không phải là nguyên nhân chính kim ngạch xuất khẩu sang Nga của các nước trên thế giới giảm xuống. Yếu tố chính dẫn đến hiện tượng này rất có thể là bởi sức mua của người Nga đã giảm, đồng ruble mất giá, giá dầu trên thế giới giảm khiến nền kinh tế Nga gặp khó khăn.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ hãng tin Ukrainian Independent Infomation Agency (viết tắt là UNIAN), một hãng thông tấn lớn của Ukraine chuyên đưa tin về chính trị và kinh tế, được thành lập vào năm 1993.