Mắc đái tháo đường thai kỳ liệu có nguy cơ mắc tiếp bệnh tiểu đường?
Nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày thành lập Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế phối hợp cùng Khoa Nội Tiết và Đái tháo đường bệnh viện Bạch Mai, cùng công ty Novo Nordisk tổ chức buổi hội thảo: “Những điều cần biết về đái tháo đường thai kỳ cho bà mẹ mang thai” vào sáng 10/10.
Bác sĩ tư vấn cho chị em mang thai về phòng tránh bệnh đái tháo đường thai kỳ |
Thông tin từ buổi Hội thảo cho thấy, hiện nay có đến 15% phụ nữ mang thai trên toàn thế giới có khả năng bị mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các tai biến như: Nguy cơ tử vong chu sinh tăng gấp 4 lần so với bình thường, nguy cơ sinh non tăng hơn gấp đôi, tỷ lệ hạ đường huyết sơ sinh trên lâm sàng tăng hơn 20 lần…
Tại buổi hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Khoa Diệu Vân - Trưởng khoa Nội Tiết - Đái tháo đường bệnh viện Bạch Mai cùng các bác sĩ sẽ chia sẻ những thông tin bổ ích về mối nguy hiểm của căn bệnh Đái tháo đường thai kỳ, cũng như những biện pháp đúng đắn để phòng chống bệnh.
Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2012, tỉ lệ thai phụ mắc bệnh Đái tháo đường thai kỳ ở Việt Nam là 20,3% (565/2772) theo tiêu chuẩn IADPSG3.
Đái tháo đường thai kỳ nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các tai biến như: Nguy cơ tử vong chu sinh tăng gấp 4 lần so với bình thường; Nguy cơ sinh non tăng hơn gấp đôi (14,02%) so với tỉ lệ thông thường (6,55%); Tỷ lệ hạ đường huyết sơ sinh trên lâm sàng tăng hơn 20 lần so với mức bình thường; Nguy cơ khởi phát chuyển dạ tăng hơn gần 3 lần so với mức bình thường; Hơn 50% phụ nữ có tiền sử mắc bệnh Đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ bị Đái tháo đường típ 2 trong vòng 5-10 năm sau khi sinh.
Tuy nhiên thực trạng cho thấy, đái tháo đường thai kỳ chưa được cộng đồng quan tâm và hiểu đúng. Đái tháo đường thai kỳ thường được cho là căn bệnh không nghiêm trọng, thậm chí sinh xong tự nhiên sẽ khỏi, hoặc nếu ăn uống lành mạnh, sẽ không lo bị tăng đường huyết.