Lý Quang Diệu: "Kể cả sắp bị hạ huyệt tôi cũng sẽ bật dậy..."
Những phát ngôn của ông Lý Quang Diệu, người vừa qua đời sáng ngày 23/3, phần nào đã thể hiện được cách ông xoay chuyển Singapore từ một nước nghèo khó thành một cường quốc châu Á.
"Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, khi sắp bị hạ huyệt, nếu cảm thấy có điều gì sai, tôi cũng sẽ bật dậy”. Đó là một trong nhiều phát ngôn đặc biệt của Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người vừa qua đời sáng hôm nay (23/3).
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. |
“Tôi chưa bao giờ quá lo lắng hay bị ám ảnh bởi các cuộc thăm dò ý kiến hay về tỷ lệ ủng hộ. Tôi nghĩ đó là một nhà lãnh đạo yếu kém. Nếu bạn lo ngại về việc tỷ lệ ủng hộ của mình tăng hay giảm thì bạn không phải là một nhà lãnh đạo. Bạn chỉ đang cố đuổi theo ngọn gió…bạn sẽ bị gió đẩy đi. Và đó không phải là những gì tôi đang làm”.
"Giữa được yêu và được sợ, tôi luôn tin rằng Machiavelli (nhà ngoại giao, nhà triết học người Ý) nói đúng. Nếu không ai sợ tôi thì tôi sẽ chỉ là vô nghĩa".
"Tôi thường bị cáo buộc can thiệp vào cuộc sống riêng tư của người dân. Đúng, nhưng nếu tôi không làm như vậy, chúng ta sẽ không được như ngày hôm nay. Và tôi chẳng có gì hối hận khi nói rằng chúng ta sẽ không được như ngày hôm nay, không thể phát triển kinh tế nếu chúng tôi không can thiệp vào mọi vấn đề cá nhân như hàng xóm của các bạn là ai, các bạn đang sống thế nào, các bạn làm ồn, khạc nhổ như thế nào hay sử dụng ngôn ngữ gì. Chúng tôi quyết định làm những việc đúng đắn. Đừng bao giờ bận tâm mọi người nghĩ gì”.
“Để có thể đứng hiên ngang và giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử, chúng ta phải làm chủ chương trình nghị sự chính trị. Cách duy nhất để làm được việc đó là không bị đánh bại trong các cuộc tranh luận với các nhà phê bình. Họ phàn nàn tôi đã phản ứng quá mạnh trước những ý kiến tranh luận của họ. Nhưng những ý kiến sai phải bị phản bác trước khi chúng ảnh hưởng tới công luận và gây hậu quả. Những ai cố tỏ ra thông minh nhằm gây ảnh hưởng cho chính phủ không nên phàn nàn nếu tôi phản bác mạnh mẽ như những lời chỉ trích của họ”.
Những dòng tưởng nhớ của người dân Singapore gửi tới ông Lý Quang Diệu. |
“Tôi không xem trưng cầu dân ý là một phương pháp quản lý của chính phủ. Tôi nghĩ rằng nó cho thấy một sự yếu đuối nhất định trong tư tưởng – sự bất lực trong việc vạch kế hoạch, bạn sẽ đi theo dù gió thổi hướng nào, truyền thông hướng mọi người đi hướng nào. Nếu bạn không thể ép buộc hoặc không muốn ép buộc mọi người đi theo bạn, bạn cũng không phải là một nhà lãnh đạo”.
“Nếu bạn lựa chọn một nhóm dân và họ được giáo dục cũng như nuôi dạy đúng đắn, bạn sẽ không phải sử dụng quá nhiều đòn roi bởi họ đã được huấn luyện rồi. Cũng giống như với các chú chó. Bạn dạy chúng đúng cách từ nhỏ, chúng sẽ biết phải ra ngoài để đi tiểu tiện và đại tiện. Không, chúng ta không có được một dạng xã hội như vậy. Chúng ta phải huấn luyện những con chó đã trưởng thành mà thậm chí đến nay vẫn còn đi tiểu tiện trong những chiếc thang máy”.
“Lúc đầu, tôi tin rằng, tất cả mọi người đều bình đẳng. Giờ tôi biết đó là điều ít có khả năng xảy ra nhất vì hàng triệu năm qua, con người phân tán trên khắp bề mặt trái đất, bị tách biệt với nhau, phát triển độc lập và có sự pha trộn giữa các chủng tộc, con người, khí hậu, đất đai…Ban đầu tôi không biết điều đó, nhưng bằng sự quan sát, đọc sách, xem truyền hình, tranh luận, và học hỏi, sau đó là bằng cách buộc mình vươn tới đỉnh cao, tôi đã rút ra được kết luận đó”.
“Cải cách chính trị không nhất thiết phải đi đôi với tự do hóa kinh tế. Tôi không tin rằng nếu bạn là một người theo chủ nghĩa tự do với đầy quan điểm đa dạng, đầy những ý tưởng cạnh tranh trên thị trường, đầy cuồng nộ, thì bạn sẽ thành công”.
“Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo là phải cung cấp và tạo ra cho người dân một khuôn khổ mạnh mẽ để họ có thể học tập, chăm chỉ làm việc, trở nên hữu ích và được thành quả tương ứng. Đạt được điều đó không phải là điều dễ dàng”.