Luxembourg sẽ xử phạt hành vi vứt bỏ khẩu trang y tế không đúng cách
Trang Euro-Pulse đưa tin, các nhà chức trách Luxembourg có kế hoạch đưa ra các khoản tiền phạt vì ném bỏ khẩu trang y tế không đúng cách.
Theo đó, các chuyên gia giải thích rằng khẩu trang dùng một lần được làm từ sợi tổng hợp và không thể tái chế, do đó chúng phải được vứt vào thùng rác thải gia đình không thể tái chế, sau đó thường được mang đi đốt để làm năng lượng.
Theo nhà chức trách Luxembourg, hình phạt không chỉ áp dụng cho những người vứt bỏ khẩu trang lung tung, mà còn áp dụng cho những người vứt lẫn vào thùng khác. Mức phạt sẽ tùy thuộc vào việc người phạm tội có bị mắc Covid-19 hay không. Số tiền chính xác hiện nay vẫn chưa được quyết định. Tuy nhiên, quy tắc mới sẽ có hiệu lực trước khi kết thúc mùa hè.
Đại dịch Covid-19 đang khiến rác thải y tế gia tăng. (Ảnh: RIA) |
Chính phủ Luxembourg cho biết, kể từ cuối tháng 3, chỉ riêng khẩu trang y tế dùng một lần đã chiếm tới 144 tấn chất thải, tương đương gần 0,1% của tất cả rác thải ở Luxembourg trong một năm.
Đại dịch Covid-19 đang khiến cho những sản phẩm làm từ nhựa để phục vụ công tác phòng chống, xét nghiệm và chữa bệnh trên toàn cầu tăng vọt. Giải quyết những núi rác thải nhựa khổng lồ một cách an toàn là vấn đề lớn mà các nước đang phải đối mặt.
Chưa có tính toán chính xác về tổng lượng chất thải y tế trên toàn cầu từ khi Covid-19 trở thành đại dịch, nhưng thông tin từ các quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy sự gia tăng chóng mặt so với trước đó. Theo tờ The Verge, chỉ tính riêng tại Vũ Hán (Trung Quốc), nơi khởi phát dịch bệnh, lượng rác thải y tế tại các bệnh viện đã tăng gấp 6 lần so với trước khi khủng hoảng xảy ra, ước tính mỗi ngày có tới 240 tấn rác. Đó chỉ là con số tại các bệnh viện ở một thành phố 11 triệu dân của Trung Quốc.
Giới chức các nước đã tạm ngừng hoặc thu hồi một số lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, coi đây là một biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Tại Anh, quy định tính thêm phí đối với túi nilon tạm thời không có hiệu lực. Một số bang tại Mỹ như Maine cũng tạm ngừng lệnh cấm sử dụng túi nilon. Các nhà bán lẻ, trong đó có chuỗi cửa hàng Starbuck, cấm các sản phẩm tái sử dụng.
Nhiều quốc gia, tổ chức cũng đưa ra các giải pháp đối phó. Ví dụ, các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 4 đã ban hành hướng dẫn quản lý rác thải trong khủng hoảng Covid-19. Theo đó, EU nêu rõ cách xử lý rác thải y tế cũng như yêu cầu biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân lực làm việc trong lĩnh vực liên quan.
Tại Ấn Độ, các hướng dẫn về việc xử lý rác thải trong quá trình điều trị cách ly những bệnh nhân dương tính và các ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng được triển khai. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cùng chính quyền các tiểu bang Mỹ cũng đưa ra những quy định về tiêu hủy rác thải y tế.
Tuy vậy, để giải quyết được bài toán này không phải chuyện dễ dàng. Không phải ở đâu cũng đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt ấy. Trước hết, giới chức và các cơ sở liên quan cần tính toán được khả năng cung ứng, kịp thời triển khai thêm và không để rác y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm tồn tại lâu mà không được xử lý.
Lo ngại tên lửa Trung Quốc, Mỹ tạo thêm hàng rào phòng thủ
Hình ảnh vệ tinh hé lộ Mỹ đang nâng cấp một tiền đồn xa xôi hẻo lánh ở Tây Thái Bình Dương để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh từ Trung Quốc.
Thanh Bình (lược dịch)