Lực lượng viễn chinh đặc biệt của Mỹ đã đến Iraq
Tháng trước, Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên chiến dịch Operation Inherent Resolve (chiến dịch nhổ tận gốc nhằm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS), cho phóng viên biết Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch triển khai thêm nhiều binh lính tới Iraq như một phần trong lực lượng viễn chinh đặc biệt nhằm vào IS. “Chúng tôi sẽ điều khoảng 100 binh lính tới đó”, ông nói.
Tuy nhiên, rất nhiều nhà lập pháp Iraq phản đối kế hoạch này. Trong một tuyên bố, Khalaf Abd Samad cho rằng “chúng tôi hoàn toàn phản đối việc Mỹ triển khai lực lượng tới Iraq để thực hiện các chiến dịch tình báo và quân sự”.
Lực lượng viễn chinh đặc biệt của Mỹ đã có mặt ở Iraq. |
Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng tuyên bố: “Lực lượng viễn chinh đặc biệt mà tôi từng nhắc đến hồi tháng 12/2015 đã tới Iraq và đang chuẩn bị làm việc cùng với các lực lượng Iraq với mục đích truy tìm các chiến binh và chỉ huy đầu não của IS”.
Ông Carter cũng cho biết lực lượng này độc lập với 50 binh lính của nhóm triển khai đặc biệt được cử tới Syria năm ngoái. Ông cũng thông báo nhóm 50 lính đặc nhiệm này đã liên lạc với các tổ chức nổi dậy trong khu vực để hợp tác “không kích mọi mặt” chống lại IS.
“Các hoạt động này sẽ giúp tập trung vào nỗ lực của các lực lượng địa phương chống lại các cơ sở trọng yếu của IS, bao gồm cả hệ thống đường dây liên lạc. Tổng thống Obama cam kết sẽ nắm lấy mọi cơ hội để tấn công cho đến khi IS “trút hơi thở cuối cùng”, ông Carter khẳng định.
Trong Thông điệp Liên bang cuối cùng của ông Obama, Tổng thống Mỹ đã cổ vũ những nỗ lực của binh lính trong chiến dịch chống khủng bố ở Iraq và Syria. “Với gần 10.000 cuộc không kích, chúng ta đang dần loại bỏ các thủ lĩnh của IS, kho dầu mỏ, trại huấn luyện và vũ khí của chúng. Chúng ta có các lực lượng huấn luyện, hỗ trợ và cung cấp vũ khí để giúp Iraq và Syria khẳng định vững chắc chủ quyền lãnh thổ”, ông Obama phát biểu.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.