Luật sư chứng minh C50 xin thành lập công ty bình phong CNC
Theo bản luận tội của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ đối với bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CNC), cơ quan này kiến nghị HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Dương với mức án 8- 9 năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc”, 3- 4 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt từ 11- 13 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, buộc Nguyễn Văn Dương phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính 1.655 tỷ đồng.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP. HCM) phân tích: Về việc thành lập công ty bình phong, trong Báo cáo khả thi Đề án thành lập Công ty bình phong trực thuộc C50 phục vụ các hoạt động nghiệp vụ và công ích nêu rõ: “Cơ quan quản lý Đề án là do Tổng cục cảnh sát chủ trì, Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện là C50”.
Đề án định nghĩa: Công ty bình phong là đơn vị kinh tế nghiệp vụ theo phương thức hợp tác liên doanh, sử dụng doanh nghiệp bên ngoài - chủ yếu là sử dụng con dấu và hồ sơ năng lực kinh nghiệm của doanh nghiệp C50 hợp tác, nhằm thực hiện các yêu cầu công tác theo sự chỉ đạo trực tiếp từ C50 phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Đơn vị kinh tế nghiệp vụ hợp tác liên doanh được tổ chức theo mô hình Công ty cổ phần và Chi nhánh, được quản lý điều hành bởi Giám đốc và cán bộ C50 cử giữ chức vụ Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực CNTT (công nghệ thông tin - PV).
Luật sư Phan Trung Hoài (đứng) đang bào chữa cho Nguyễn Văn Dương. |
Theo luật sư Hoài, việc đánh giá về thỏa thuận hợp tác giữa C50 và CNC, cũng như quá trình CNC có quyết định chính thức trở thành Công ty bình phong đã được nêu chi tiết tại Báo cáo số 1274/C50-P1 ngày 17/5/2017 của C50 báo cáo Tổng cục Cảnh sát.
Cáo trạng đã ghi nhận, Hội đồng xét xử cũng đã thẩm tra về việc ông Nguyễn Thanh Hóa ký Bản thỏa thuận hợp tác với CNC tại buổi xét xử ngày 20/11/2018.
Theo đó, ngày 10/10/2011, ông Nguyễn Thanh Hóa thay mặt C50 ký Bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh với CNC do Nguyễn Văn Dương làm đại diện.
Trong Bản ghi nhớ có nội dung: “...Phải đảm bảo thực hiện yêu cầu nghiệp vụ của C50; Báo cáo C50 về các hoạt động kinh doanh và tài chính của CNC theo định kỳ; Phân phối lợi nhuận kinh doanh thu được sau khi trừ các chi phí hoạt động của CNC theo tỷ lệ: CNC được 80%, C50 được 20%".
Cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Hóa ký tiếp hợp đồng ủy quyền với Dương có nội dung: "... là người đại diện theo ủy quyền, thay mặt và nhân danh C50 liên hệ với CNC và cá nhân, tổ chức có liên quan để đại diện cho phần vốn góp 20% vốn điều lệ của CNC; ủy quyền cho Nguyễn Văn Dương được lập và ký tên các giấy tờ, tài liệu, thư trao đổi... đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của C50. Ngoài ra Nguyễn Văn Dương không được sử dụng, chuyển nhượng, định đoạt, thụ hưởng phần vốn đại diện hay bất kỳ lợi ích nào từ nguồn vốn góp trên".
Cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CNC Nguyễn Văn Dương. |
Trong phần bào chữa của mình, luật sư Phan Trung Hoài cũng nhấn mạnh tình tiết Tổng cục Cảnh sát và C50 nhiều lần hỗ trợ CNC trong việc xin cấp phép trò chơi điện tử game bài RikVip và 23Zdo do CNC và VTC Online liên kết phát hành.
Mặc dù Bộ TT&TT không cấp giấy phép hoạt động cho cổng trò chơi trên mạng của CNC, nhưng C50 vẫn tiến hành sử dụng CNC là Công ty bình phong; việc đình chỉ hay chấm dứt hoạt động của hai cổng này thuộc quyền hạn của Cục trưởng C50.
Về tội danh “Rửa tiền”, luật sư Hoài mong VKS và HĐXX xem xét lại việc truy tố và xét xử bị cáo Nguyễn Văn Dương về tội “Rửa tiền” vì chưa đủ căn cứ do không phù hợp về mặt chủ thể trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội “Rửa tiền” theo Điều 251 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi 2009).
Luật sư Hoài phân tích: “Điều 251 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi 2009) đòi hỏi là phải biết rõ nguồn gốc tài sản do người khác phạm tội mà có chứ không phải do chính Nguyễn Văn Dương thực hiện, không phù hợp với kết quả điều tra, kết quả thẩm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa”. Như vậy, hiểu một cách chính xác, một người chỉ có thể bị truy tố, xét xử về tội “Rửa tiền” khi biết rõ nguồn gốc số tiền do người khác phạm tội mà có, chứ không phải do chính mình thực hiện.