Lớp lớp chiến binh
Chuyện ông cha đánh thắng tại Điện Biên Phủ, chuyện "đi không dấu, nấu không khói" vượt Trường Sơn, chuyện thầy cùng đồng đội và người dân Tây Nguyên chia nhau từng củ sắn, bắp ngô và những giờ phút trào dâng trên đường thần tốc tiến quân về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh...
Các chiến sĩ trẻ Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 144 hân hoan chào đón ngày 22-12. Ảnh: Minh Trường |
Thầy hiệu trưởng - anh bộ đội năm xưa nay tuổi đã cao. Những em học sinh đang ngồi lắng nghe kia dăm bảy năm nữa có thể là những công nhân, doanh nhân hay sinh viên và cũng có thể tiếp bước thầy lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự làm người lính hoặc theo con đường binh nghiệp. Người chiến binh những năm tới sẽ ra sao? Những người trẻ quen sống trong chăn ấm, đệm êm sau này có đủ sức trần mình trong sương gió. Thêm một lần nữa sau bao lần những suy nghĩ, mường tượng về lớp lớp lính trẻ lại hiện lên trong tôi xen cùng những cảm xúc hào hứng về những người trẻ đang lớn lên và chút chút âu lo thường có ở lớp người đi trước.
Tôi chợt nhớ về hình ảnh những hạm tàu mới của trung đoàn hải quân đơn vị cũ của tôi. Vẫn nước sơn màu nước biển nhưng sao láng bóng, mịn màng. Vẫn là "cao tốc" nhưng những hạm tàu bây giờ phóng nhanh gấp rưỡi con tàu cũ của chúng tôi trước đây... Chà, những người lính đứng thành hàng dài trên mặt boong chào quân cảng trước phút hạm tàu rẽ sóng ra khơi. Chao ôi, những dải mũ hải quân bay bay lên trong gió. Quân kỳ kéo lên, những lá cờ đầy gió cùng phấp phới... Thứ nghi thức, thứ đội ngũ đẹp mà bình dị, hoành tráng và mơ mộng vốn có ấy thuở chúng tôi chưa một lần được thực hiện. Trên trời là máy bay địch. Trên biển là tàu của chúng và dưới đáy mỗi cửa biển là bom mìn...
Mãi đến dịp kỷ niệm 40 năm ngày lần đầu khoác chiếc áo yếm binh nhì Hải quân lên người, khi tóc đã bạc, hầu hết đều đã "lên bờ" làm đủ mọi ngành nghề, chúng tôi mới lần đầu tiên được nhận chiếc mũ dải. Nhận để chụp ảnh, để đem về làm kỷ niệm...
Người lính đã và đang mới ra theo thời gian, theo mọi sự đổi thay, mới mẻ của đất nước. Mới đây, ngồi trong một căn phòng của Viện Nghiên cứu và phát triển thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, tôi đã được biết và chứng kiến nhiều điều ước mong của nhiều thế hệ chiến binh nay đang dần hiện thực. Chỉ ngồi trong phòng thôi qua các màn hình vi tính là có thể biết toàn bộ vùng trời, vùng biển của đất nước đang diễn ra những gì. Ngồi ở đây là có thể kết nối với mỗi sở chỉ huy và ở sở chỉ huy là có thể liên lạc thuận tiện, nhanh chóng để nắm bắt hoạt động của từng phân đội qua mạng lưới thông tin hoàn toàn mới. Ở đây, tôi được biết các kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ trẻ đã tự nghiên cứu, chế tạo những thiết bị mới cho ra-đa, tên lửa và kết nối các hệ thống phòng không-không quân, những chiếc máy bay không người lái (UAV) có thể quan sát, chụp ảnh mặt đất, mặt biển, phục vụ cho sản xuất, đời sống cũng như hoạt động quân sự khi cần. Và ở đây, anh em đã giới thiệu cho chúng tôi về hình ảnh và hoạt động rất mới trong tương lai của mỗi chiến sĩ bộ binh. Một con số đơn giản: Trang bị cho một chiến sĩ sẽ gọn nhẹ hơn hẳn với tổng khối lượng giảm đi 7 đến 8 lần.
Người lính đã và sẽ mới hơn và sẽ khác đi cả trong từng hoạt động và tư duy? Tình cảm của họ cũng sẽ khác? Có nhiều điều mới và khác, nhưng cũng có những điều căn cốt không thể khác.
Tôi đã có những lần theo chân các chiến sĩ công binh, bộ binh qua các bản làng phía tây Quảng Trị. Những con đường mới ngang dọc nối với Đường Hồ Chí Minh, với Đường 9 mỗi năm mỗi dài ra. Những dãy đồi cà phê, cao su, những cánh rừng chuối, keo lá tràm phủ xanh dần vùng đất chết chóc vì bom đạn và chất độc da cam/đi-ô-xin... Nhưng những ngày này bóng áo xanh bộ đội vẫn gần gũi, thân quen bởi mỗi làng bản, mỗi mái nhà. Tôi không hiểu vì sao chỉ mươi héc-ta đất khai hoang mà ròng rã bốn, năm năm trời vẫn chưa hoàn thành. Anh em bảo đất trồng lúa, màu giữa đồi núi xấu lắm, phải thay toàn bộ. Rồi phải làm hệ thống đường ống dẫn nước từ xa cùng kênh mương tưới tiêu. Rồi nữa, phải thử nghiệm, chọn lọc các giống cây, phải hướng dẫn bà con người Vân Kiều ở đây chưa từng làm lúa nước từ cách chọn, làm giống đến chăm bón... Với đất, với cây, với đường, với nguồn nước, với mỗi nếp nhà sàn đều là cuộc vận động, hướng dẫn, cùng làm cùng ở kiên trì nhiều năm tháng. Những anh bộ đội cắm bản, những bí thư chi bộ mười năm ở vùng đất này rất nhiều. Đời binh nghiệp của họ gắn với từng ngày, từng việc đổi thay, từng mái nhà, ngôi trường, từng đứa trẻ sinh ra và lớn lên. Rồi những đợt gió Lào, những mùa bão, lũ vùng đất dốc miền Trung, những người lính lao vào dòng nước xiết cứu dân. Và nữa, những tiếng nổ từ bom mìn trong chiến tranh vẫn thỉnh thoảng bất chợt bùng lên, rồi những vết thương, di chứng chiến tranh, sốt rừng...
Sau gần 35 năm, vừa rồi tôi mới được trở lại Hà Tiên, mảnh đất tận cùng đất nước phía tây nam. Nơi này tháng 3, tháng 4 năm 1978 đã diễn ra cuộc thảm sát kinh hoàng của quân Pôn Pốt tại làng sát biên giới Xà Xía. Bây giờ những người lớn lên sau cuộc chiến năm ấy đã là những lãnh đạo, chỉ huy, những người sinh sau hoàn toàn không biết đến chiến tranh, tuổi thơ cũng cắp sách đến trường như những đứa trẻ trong ngôi trường bên nhà tôi giờ đã là chiến sĩ đang cầm súng giữ dải đất biên cương. Ngôi chùa Khơ-me ở Xà Xía vẫn còn đấy với những vết thương nặng nề, đổ nát vì cuộc tàn phá 35 năm trước. Cách ngôi chùa không xa là Cửa khẩu quốc tế Xà Xía giờ đã trở nên nổi tiếng bởi sự giao lưu, thông thương khá tấp nập giữa Việt Nam và nước bạn Cam-pu-chia. Gần bên cửa khẩu là đồn biên phòng mới dựng lên trên bãi chiến trường năm xưa. Cửa khẩu quốc tế rộng thoáng bề thế, đồn biên phòng khang trang, nhưng những sĩ quan, chiến sĩ không chỉ chính quy, nghiêm ngắn, đàng hoàng đứng làm nhiệm vụ biên phòng cửa khẩu. Ngày và đêm họ thay nhau canh gác, tuần tra trên các lối mòn biên giới, quanh các cột mốc chủ quyền ở tận cùng phía Nam của đất nước. Họ cùng dân chăm lo mùa màng, đời sống, là người thân của mỗi gia đình bà con người Khơ-me ở Xà Xía. Cán bộ, chiến sĩ ở đây còn nuôi những người già và những đứa trẻ mồ côi. Họ coi chúng như những đứa con - người công dân - chiến sĩ tương lai. Cũng chính họ đã là những người vừa tham mưu cho chính quyền địa phương, vừa trực tiếp vận động những người nhẹ dạ, dại dột đừng mang số tiền làm lụng, chắt bóp cả đời sang bên kia biên giới đổ vào các sòng bạc. Và họ cùng các địa phương, các đơn vị cả vùng biên giới và nội địa đã thành công. Ở cửa khẩu này, mấy năm nay làn sóng người dân bước vào những casino đã ngớt hẳn. Sự nghiệp biên phòng là vậy, phải luôn chăm lo cho dân, phải biết sống cùng dân, dựa vào dân. 35 năm trước, tôi đã được chứng kiến Sư đoàn 341 cùng cán bộ, nhân dân Hà Tiên đánh một trận thắng lớn, đập tan một chiến dịch xâm lấn của quân Pôn Pốt trên mặt trận Bắc Hà Tiên. Trên mảnh đất này cũng như trên mọi dải đất biên cương, biển đảo, lời thề "không để Tổ quốc bị bất ngờ. Sẵn sàng đánh thắng địch ngay trên địa đầu Tổ quốc" đã từng được thế hệ Bộ đội Cụ Hồ năm xưa thực hiện. Ở Đá Dựng, ở Thạch Động, Xà Xía... lời thề ấy vẫn đang âm vang.
Bây giờ quân và dân nơi đây sát cánh bên nhau chăm lo cho biên giới hòa bình, hữu nghị. Bây giờ, Hà Tiên là điểm đến du lịch hấp dẫn với những bãi biển, những dải đồi núi, hang động, đền chùa dập dìu người từ mọi miền đất nước. Hà Tiên quyến rũ, yên bình quá.
Tôi biết đã có kế hoạch xây dựng các đồn biên phòng suốt dọc dài biên giới đất liền và hải đảo khang trang, chính quy, hiện đại hơn nữa trong tương lai không xa. Và người chiến sĩ ở mọi quân, binh chủng sẽ được trang bị những vũ khí, kỹ thuật mới. Song, hôm nay và mai sau, trong thẳm sâu trái tim chiến sĩ vẫn nồng cháy lời thề vì nước, vì dân.
Tùy bút của MẠNH HÙNG (Quân đội nhân dân)