Lợi nhuận trăm tỷ, cổ phiếu Vietravel ‘thoát hiểm’
HNX đưa ra quyết định này căn cứ trên Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán của Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel.
Cụ thể, kết thúc năm tài chính 2022, vốn chủ sở hữu của Vietravel ghi nhận ở mức 121 tỷ đồng, vượt xa vốn chủ sở hữu đầu kỳ, chỉ đạt 7,9 tỷ đồng.
Có được kết quả trên nhờ vào sự hồi phục nhanh của ngành du lịch, do vậy doanh thu trong năm 2022 của Vietravel đạt 3.800 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021, lợi nhuận gộp theo đó đạt 306 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị âm 275 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2022 giảm so với năm 2021, điều này đã góp phần tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Vietravel đạt 104 tỷ đồng.
Vietravel đang có 29,3 triệu cổ phiếu được đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán UPCoM. Số cổ phiếu này sẽ được mua bán bình thường trở lại, sau hơn 6 tháng chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần.
Vietravel sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 6/5 tới.
Trước đó, ngày 7/4, Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital đã hoàn tất các thủ tục mua thêm hơn 1 triệu cổ phiếu VTR, tương đương 3,65% vốn điều lệ Vietravel từ Vietravel theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch lần này VinaCapital sở hữu 2,85 triệu cổ phiếu (chiếm 9,97% cổ phiếu) tại Vietravel.
Theo đại diện Vietravel, việc VinaCapital tham gia đầu tư vào Vietravel sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho công ty mở rộng nguồn vốn nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh du lịch cũng như đa dạng hóa các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của Vietravel và các đơn vị thành viên.
Hãng hàng không Vietravel Airlines - một trong những mảng kinh doanh chủ lực khác của Vietravel - cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Vietravel Airlines đã thực hiện thành công gần 1.600 chuyến bay, tỷ lệ lấp đầy trung bình luôn đạt trên 91,2%.
Vietravel Airlines hiện khai thác 6 đường bay nội địa từ TP.HCM, Hà Nội đến các thành phố du lịch lớn. Hãng cũng mở rộng mạng bay quốc tế, với điểm đến đầu tiên là Bangkok (Thái Lan) từ Hà Nội và TP.HCM.
Dự kiến năm 2023, Vietravel Airlines sẽ tiếp tục mở rộng mạng bay trong và ngoài nước, tăng số đường bay thường lệ lên 13 đường bay, chuyên chở hơn 1,3 triệu hành khách.
Cảnh báo vé máy bay giả Theo Vietnam Airlines, cơ quan chức năng vừa ghi nhận một số trường hợp hành khách mua phải vé giả từ các website, tổ chức, cá nhân tự xưng là đại lý của hãng này.
Phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng mạo danh đại lý, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ, gửi khách mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu chuyển tiền thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay, nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.
Sự vụ gần đây là trường hợp một khách mua vé khứ hồi nội địa cho gia đình 5 người qua một công ty. Khi đến sân bay check-in, khách mới biết công ty này chỉ đặt chỗ chứ không xuất vé, khách phải mua vé mới cho gia đình.
Một phương thức khác là các đối tượng sau khi nhận được tiền của khách, vẫn xuất vé, nhưng sau đó lại hoàn vé để thu lại phần lớn tiền, chỉ phải chịu mất một khoản phí hoàn vé nhỏ.
Cuối năm 2022, một khách hàng mua vé máy bay đi Úc cho đoàn khách qua đại lý là chỗ quen biết cá nhân. Khách đã chuyển cho đại lý này tiền vé, nhưng khi xác nhận lại vé trước ngày bay, khách hàng mới biết vé đã bị hoàn lại trước đó. Khách không thể thực hiện chuyến bay như dự định và phải hủy toàn bộ kì nghỉ.
Do đó, để tránh bị lừa mua vé giả, đặc biệt trong các đợt cao điểm đi lại như 30/4, 1/5, nghỉ hè, lễ Tết, Vietnam Airlines khuyến cáo hành khách mua vé trên kênh chính thức của các hãng.
Ngọc Hà