“Lờ” Trung Quốc, Ấn Độ tiếp tục tập trận với Nhật Bản
Mặc dù Bắc Kinh đã kêu gọi New Delhi tránh xa cuộc đua do Mỹ dẫn đầu nhằm kiềm chế Trung Quốc ở châu Á, Ấn Độ vẫn có nhiều khả năng sẽ thiết lập các cuộc tập trận hải quân chung với Nhật Bản. Điều này được xem là chắc chắn xảy ra khi mà Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã lên kế hoạch thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào đầu tuần tới về các vấn đề an ninh khu vực.
Hải quân Ấn Độ - Nhật Bản sẽ có các cuộc tập trận thường xuyên ở ngoài biển khơi hai nước |
“Chúng tôi đã mời Nhật Bản cùng tổ chức các cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương, và bây giờ điều đó sẽ được tiến hành. Nhật Bản cần có một chương trình cố định để có thể phù hợp với các kế hoạch tập trận của chúng tôi”, Ngoại trưởng Ranjan Mathai cho biết khi trả lời các phương tiện truyền thông về chuyến thăm tiếp theo của Thủ tướng Ấn Độ tới Nhật Bản.
Ấn Độ cũng bày tỏ sự “phòng bị mạnh mẽ” đối với lời hứa của Bắc Kinh rằng sẽ tiếp tục giúp đỡ Islamabad phát triển cơ sở hạ tầng ở Kashmir (Pok), nơi đang bị Pakistan chiếm đóng. “Chúng tôi chắc chắn đã thể hiện quan điểm của mình tới lãnh đạo Trung Quốc ở mức cao nhất. Chúng tôi xem đây là một vấn đề nghiêm trọng”, Mathai nói.
Đây là phản ứng của Ấn Độ đối với biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Bắc Kinh và Islamabad trong chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Pakistan. Biên bản ghi nhớ đã vạch ra một hành lang kinh tế giữa 2 nước mà sẽ đi qua Pok.
New Delhi cho rằng toàn bộ tiểu bang Jammu và Kashmir, trong đó có Pok, là một phần của Ấn Độ. Các dự án phát triển kinh tế do Pakistan thực hiện hoặc có sự hỗ trợ của nước ngoài trong lãnh thổ đang tranh chấp là “không có cơ sở pháp lý và hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Chuyến công du của Thủ tướng Singh tới thăm Tokyo đúng vào thời kỳ mà tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với Nhật Bản và Ấn Độ đang dâng cao. Ông sẽ tổ chức ngội nghị thượng đỉnh hàng năm với ông Abe, người đang có một lập trường cứng rắn trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc.
Hiện tại, New Delhi đẩy mạnh mối quan hệ quốc phòng với Mỹ - đồng minh Nhật Bản. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cho biết tại New Delhi hôm thứ Ba tuần trước rằng một mối quan hệ xa xôi có thể không hữu ích như một người hàng xóm gần. Đây được xem là một thông điệp ngầm mà Trung Quốc gửi tới Ấn Độ, nhằm loại bỏ chính sách trục của Mỹ đang tìm kiếm sự tái cân bằng tại khu vực châu Á. Bắc Kinh vẫn khăng khăng khẳng định đó là chính sách mà Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ và Nhật Bản thực hiện mối quan hệ song phương trong lực lượng hải quân. Cuộc tập trận hải quân chung Ấn Độ - Nhật Bản Jimex 12 đã được tổ chức hồi tháng 6/2012 ngoài khơi bờ biển Tokyo. Lần tập trận chung tới đây dự kiến sẽ được tổ chức tại Ấn Độ Dương vào cuối năm nay, đánh dấu cho một chương trình tập luyện thường xuyên của 2 quốc gia.
Ấn Độ cũng từng tham gia cuộc tập trận chung Malabar giữa hải quân của 5 quốc gia với Mỹ, Úc, Nhật Bản và Singapore vào năm 2007. Cuộc tập trận đã được các quốc gia tham gia công nhận là bởi lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong giai đoạn đó.
Một thông tin được tiết lộ cũng cho biết New Delhi, Washington và Tokyo gần đây cũng đã đề xuất một cuộc tập trận hải quân ba bên. Tuy nhiên, hiện tại các ngoại trưởng của các nước vẫn chưa đưa ra được một ý kiến thống nhất.