Lo sợ Triều Tiên, NATO quyết tâm đặt hệ thống phòng thủ tên lửa
Tuần trước, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch, qua đó cho thấy sự tiến bộ trong viêc phát triển vũ khí có thể tấn công lãnh thổ Nhật Bản và Đài Loan. Do đó, Washington yêu cầu NATO quyết tâm hơn trong việc củng cố hệ thống phòng không ở châu Âu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại một cuộc họp cấp cao tại Brussels (Bỉ) vào ngày 2/12/2015. |
“Chúng ta không thể đồng ý với yêu sách nới lỏng phòng vệ của Nga bởi chúng ta cần phải chuẩn bị đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng”, ông Frank Rose, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ trả lời báo giới tại trụ sở chính của NATO tại Brussels (Bỉ).
“Cụ thể, Triều Tiên đang sở hữu một số lượng lớn tên lửa đạn đạo, được thử nghiệm thường xuyên”, ông Rose cho biết. Theo ông, Triều Tiên đủ sức tấn công lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản và trong tương lai sẽ là Mỹ.
Mặc dù nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch của Bình Nhưỡng, vào tháng 2/2015 Washington đã từng cảnh báo rằng Triều Tiên đang chế tạo một loại tên lửa tầm xa, được trang bị đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới Mỹ. Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các chương trình phát triển vũ khí của mình ngay lập tức.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO được thiết lập ở châu Âu kể từ năm 2010 là một trong những nguyên nhân Nga và khối quân sự trở nên căng thẳng, trước khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga vào năm 2014, mặc dù NATO khẳng định hệ thống này không nhằm vào Nga.
“Một trong những điều mà Nga lo ngại nhất đó là trong tương lai, khi không có những hiệp ước pháp lý, chúng ta sẽ có thể thiết lập những hệ thống phòng không có khả năng vô hiệu hóa sức tấn công của họ”, ông Rose khẳng định.
Mỹ vẫn là quốc gia cung cấp tên lửa chính cho NATO. Năm 2012, khối quân sự này đã nhất trí phát triển mạng lưới phòng không ra toàn châu Âu.
Romania đã đồng ý cho phép đặt một hệ thống phòng không, còn Thổ Nhĩ Kỳ đã có một trạm rađa phòng thủ tên lửa. Mỹ đã gửi một tàu chiến đến Tây Ban Nha vào tháng 9/2015, qua đó nâng cao khả năng phòng vệ từ xa. Ba Lan dự kiến cũng sẽ thiết lập một trạm phòng không vào năm 2018.
“Tất cả những bước đi trên đều là nhằm bảo vệ các nước NATO trước những hiểm họa từ bên ngoài châu Âu. Mục đích của chúng không phải là để uy hiếp Nga”, ông Rose nói.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.