Lo sợ tên lửa Triều Tiên, Nhật Bản sẵn sàng vũ khí đánh chặn tối tân
Từ lâu, Nhật Bản nhiều lần phản ứng mạnh mẽ khi tên lửa của Triều Tiên rơi xuống biển Nhật Bản, nhưng lần phóng vào tuần trước diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang thúc đẩy thử nghiệm hạt nhân đang khiến Nhật Bản bắt đầu thay đổi chính sách của mình.
Tên lửa phòng không Patriot của Mỹ. |
Vào cuối tuần qua, hãng thông tấn Kyodo cho biết, một quan chức chính phủ giấu tên đã tiết lộ rằng Tokyo có thể sẽ ban hành lệnh đánh chặn tự do bất kỳ tên lửa đạn đạo nào của Triều Tiên hướng tới vùng lãnh thổ Nhật Bản. Từ trước tới nay, quân đội nước này chỉ cho phép ngăn chặn tên lửa tùy vào mức độ nguy hiểm của nó.
Tokyo cũng tỏ ra sẵn sàng hủy bỏ lệnh đánh chặn sau khi đánh giá nguy cơ cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên có thể gây ra. Ví dụ, vào đầu tháng 6 vừa qua Nhật Bản đã không ra lệnh tự vệ khi cuộc thử nghiệm tên lửa Musudan của Triều Tiên được cho là không thành công.
Bởi Triều Tiên không hề cung cấp bất kỳ thông tin nào hoặc báo trước về các cuộc thử nghiệm tên lửa, Nhật Bản buộc phải ra lệnh đánh chặn tên lửa để đề phòng hậu quả nghiêm trọng. Hệ thống phòng không Aegis của nước này được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ, và chính phủ Nhật bản cũng bố trí tên lửa Patriot PAC-3 trong và ngoài thủ đô Tokyo.
Dù vậy, lệnh đánh chặn tên lửa của Nhật Bản vẫn có những hạn chế nhất định. Ví dụ, tên lửa PAC-3 ở Tokyo sẽ không thể ngăn cản các loại tên lửa đạn đạo khi nó đang đến rất gần thủ đô. Trong khi đó, việc triển khai các tàu chiến có Aegis sẽ cho phép quân đội có thể tiêu diệt nhiều loại tên lửa trên biển Nhật Bản.
Bởi các hoạt động thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng không chỉ có mục đích đánh tín hiệu đến các nước láng giềng, mà còn thu thập những dữ liệu khoa học quan trọng, lệnh đánh chặn của Nhật Bản có thể sẽ buộc Triều Tiên phải giảm bớt các lần phóng tên lửa của mình.
Việc Nhật Bản đang xem xét ban hành lệnh đánh chặn tự do diễn ra vào thời điểm Hàn Quốc quyết định cho phép bố trí Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, đồng thời nâng cao quan hệ quốc phòng với Nhật Bản và Mỹ.
Vào đầu mùa hè vừa qua, lần đầu tiên Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã cùng tham gia vào một cuộc diễn tập phòng không trong khuôn khổ cuộc tập trận thường niên RIMPAC.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.