Lình xình phẫu thuật ngực tại BV Kim Cương: Bộ Y tế sẽ giải quyết triệt triệt để
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến. |
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Vừa rồi có xảy ra lình xình tại BV Thẩm mỹ (TM) Kim Cương (Yết Kiêu, Hà Nội). Ngay sau đó, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội trả lời ngay.
Sự việc diễn ra khi có một số người phản ánh khi phẫu thuật ngực tại Bệnh viện Kim Cương không những không đẹp mà còn xấu thêm, có người còn dùng từ “tan nát ngực”.
Sau đó, bệnh viện Kim Cương đã kiện lại bởi họ cho rằng đã có sự tố cáo sai, vu khống, cho rằng những ảnh đưa ra là ảnh không thật, không phải, vì những ảnh đấy có thể là ảnh mới mổ xong, hoàn toàn khác sau mổ 5 ngày, sau mổ 1 tuần. BV cũng cho rằng, đã có việc ra giá “đưa ra chừng ấy tiền thì người ta không đưa lên các trang mạng nữa”. Vì thế phía bệnh viện cho rằng, có người đưa sự việc lên mạng xã hội vì muốn hạ uy tín của bệnh viện.
“Hiện nay chúng tôi cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội làm rõ để báo cáo Bộ Y tế. Nhưng cái đáng ngại nhất là nếu như bệnh viện thẩm mỹ Kim Cương được cấp phép nhưng những người hoạt động chuyên môn ở đó chưa đủ trình độ, bằng cấp thì phải rút giấy phép ngay. Nhưng ở đây câu chuyện không phải như vậy. Dù sao phía Bộ cũng xem xét đến cùng để giải quyết triệt để, cần minh bạch”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nêu.
Trước đó trên mạng lan truyền thông tin ngày 5/5, chị Ngô Ngọc L. (36 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có đến Bệnh viện thẩm mỹ Kim Cương A&B (số 1B Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nộp số tiền mặt là 13.000 USD (khoảng 290 triệu VNĐ) để tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi và nâng ngực. Trong đó số tiền nâng ngực giá 7.000 USD và nâng mũi là 6.000 USD. Ngày 13/5, chị L. được bệnh viện tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ. Gần 10 ngày sau phẫu thuật, ngực chị L. trong tình trạng bầm dập, vết mổ chảy máu.
Ngay sau khi thông tin được lan truyền trên mạng, Bệnh viện đã có đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo ngược lại “nạn nhân”. Trong đó, Bệnh viện đặt nghi vấn về hành vi “ra giá” 200.000 USD sẽ được… êm chuyện. Bệnh viện Kim Cương phản bác lại gần như toàn bộ các nội dung mà nạn nhân đăng trên Facebook hồi giữa tháng 5.2017, khiến một làn sóng phẫn nộ và tẩy chay làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của bệnh viện này.
* Liên quan đến vấn đề vừa qua công an TPHCM triệt phá đường dây sản xuất ma tuý tổng hợp rất lớn, trong đó đã thu giữ hơn 120 kg chất bột mà theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, việc quản lý chất tiền chế còn lỏng lẻo. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng: "Tiền chất phục vụ công tác chữa bệnh, rất cần thiết nhưng vì cũng có những người lợi dụng tiền chất đấy để sản xuất ma túy.
Không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước khác cũng có những việc như vậy, do đó tôi nghĩ rằng cái này phải siết chặt không chỉ ở khâu cấp phép nhập khẩu mà quan trọng nhất là khâu quản lý.
Về phía Bộ Y tế cũng cần phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công Thương để điều tra và phát hiện ngay những tổ chức sản xuất ra các chất ma tuý hoặc các tiền chất. Nhưng không có cái này thì Bộ Y tế không thể triển khai công tác khám chữa bệnh được.
Vì vậy chúng tôi rất mong muốn có sự phối kết hợp, kể cả với những người dân, thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề và khi phát hiện ra thì phải xử lý rất nghiêm, rất mạnh".