Liệu Mỹ có thể "dìm hàng" Triều Tiên?
Theo Business Insider, việc Triều Tiên quyết định trao trả công dân Mỹ Otto Warmbier hôm 13/6 đã thu hút thêm sự chú ý từ cộng đồng quốc tế đúng thời điểm giới chức Mỹ nhấn mạnh, Bình Nhưỡng đang trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và lợi ích của Washington.
Trước đó, sinh viên người Mỹ Warmbier đã bị Triều Tiên kết án 15 năm tù khổ sai trước cáo buộc đánh cắp một tấm poster tuyên truyền trong một khách sạn ở Bình Nhưỡng hồi năm 2016. Điều đáng nói, khi được trao trả về Mỹ, Warmbier đang ở trong trạng thái hôn mê và được cho là đã duy trì tình trạng này trong suốt một năm qua.
Lệnh trừng phạt nhằm một số mấu chốt chính trong hệ thống bí mật toàn cầu của Bình Nhưỡng được cho đang tác động lớn tới nền kinh tế của Triều Tiên. |
Về phần mình, chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn liên tiếp đưa ra những lời đe dọa tấn công nhằm vào Mỹ. Cụ thể, hồi đầu năm nay, ông Kim tuyên bố Triều Tiên đang bước vào giai đoạn cuối cùng chuẩn bị cho một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trang bị đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Còn trong những năm qua, giới chức Mỹ cũng tìm mọi cách để ngăn chặn và kiềm chế tham vọng phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Thậm chí, không ít chuyên gia cho rằng người dân Triều Tiên có thể phải đối mặt với nạn đói nhưng phát triển năng lực quân sự sẽ không bao giờ bị chính quyền Bình Nhưỡng trì hoãn. Và trên thực tế, Triều Tiên đang bị cô lập gần như toàn bộ với nền kinh tế thế giới. Do đó, Triều Tiên đã sử dụng mạng lưới các tổ chức tài chính và cơ quan quốc tế hoạt động bí mật để cung cấp những thứ mà quốc gia này cần từ tiền cho tới vũ khí và công nghệ.
Theo nghiên cứu mới đây của C4ADS, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington, D.C, việc cộng đồng quốc tế liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào mạng lưới ngầm có quy mô quốc tế của Triều Tiên đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề cho hoạt động thương mại bất hợp pháp của Bình Nhưỡng trên toàn cầu.
"Cho tới nay, phần lớn lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt với Triều Tiên vẫn chưa thể ngăn chặn quốc gia này từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa song điều này không có nghĩa là lệnh cấm vận không có tác dụng. Trái lại, những hành động cụ thể nhằm vào một số mấu chốt trong hệ thống bí mật của Triều Tiên đang tạo ra tác động lan tỏa trên toàn mạng lưới ở nhiều quốc gia cũng như loại bỏ một số chìa khóa quan trọng như các cá nhân hay cơ quan chuyên cung cấp tài chính và hàng hóa mà Bình Nhưỡng không dễ thay thế", Business Insider dẫn lời nhà phân tích cấp cao tại C4ADS, ông David Thompson.
Theo ông Thompson, hệ thống bí mật của Triều Tiên dù có quy mô toàn cầu nhưng nó lại phụ thuộc chính vào một số nhân vật trung gian và cố vấn chịu trách nhiệm điều phối phần lớn mối quan hệ thương mại của Bình Nhưỡng với các quốc gia khác. Điều đáng nói, những nhân vật trung gian và cố vấn này lại khá ít, do đó, toàn bộ hệ thống rất dễ bị ảnh hưởng một khi Mỹ và các quốc gia đồng minh đưa ra biện pháp mạnh tay.
Cụ thể, theo ông Thompson, việc công ty Phát triển công nghiệp Dandong Hongxiang của Trung Quốc bị đưa vào danh sách trừng phạt của cộng đồng quốc tế hồi năm ngoái đã khiến chính phủ Triều Tiên chịu thiệt hại lớn về doanh thu.
"Mỗi quốc gia có thể tự tăng cường áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Triều Tiên nhưng trên lý thuyết, nếu hành động này nhằm vào những nhân vật chủ chốt trong mạng lưới bí mật của Triều Tiên, nó sẽ tạo ra tác động lan tỏa trong toàn hệ thống toàn cầu và khiến hệ thống này sụp đổ", ông Thompson chia sẻ.