Liên tục tập trận quy mô lớn ở Biển Đông, Trung Quốc muốn thể hiện điều gì?

Trong lúc quân đội Mỹ tập trung xử lý dịch Covid-19 bùng phát trên một trong những tàu sân bay hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương, Trung Quốc lại liên tiếp tổ chức tập trận quy mô lớn ở Biển Đông.

Theo CNN, trong tuần qua, trang web tiếng Anh của quân đội Trung Quốcđã cho đăng tải nhiều bài viết về các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn, hay thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc vô cớ ngăn cản, đâm chìm tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông.

Chiến hạm Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông. (Ảnh:81.cn)

Cụ thể, các cuộc tập trận trên Biển Đông được Trung Quốc triển khai, sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ di chuyển qua khu vực để tới đảo Guam. Đáng nói, hiện tàu USS Theodore Roosevelt đang phải nằm bờ sau khi phát hiện hơn 170 thủy thủ mắc Covid-19. 

Trong khi đó, một tàu sân bay khác của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương là USS Ronald Reagan cũng đang đối mặt với “hàng loạt” ca dương tính với virus SARS-CoV-2, theo chia sẻ của một quan chức quốc phòng Mỹ với CNN hồi tuần trước. Con tàu này đang neo đậu tại thành phố Yokosuka của Nhật Bản để bảo dưỡng.

Cũng vào cuối tuần qua, căn cứ hải quân thứ hai của Mỹ ở Nhật Bản là căn cứ Sasebo đã ra thông báo về trường hợp đầu tiên mắc Covid-19. Trước đó, các ca nhiễm virus corona chủng mới đã xuất hiện tại những căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc.

Về tổng số, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay hơn 1.500 trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận trong quân đội Mỹ.

Do đó, Lầu Năm Góc đang tăng cường triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 lây lan trong lực lượng binh sĩ biên chế bao gồm dừng luân chuyển quân giữa các căn cứ trên toàn thế giới, tạm dừng tập trận huấn luyện và hủy cả một vài chương trình huấn luyện cơ bản phục vụ tuyển dụng.

Thay đổi chiến lược

Chia sẻ trước các phóng viên hồi tuần trước, ông Jonathan Hoffman, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang tiến hành đánh giá nguy cơ từng ngày nhằm tái khôi phục “khả năng hoạt động toàn diện nhanh chóng hơn”.

Song theo một số chuyên gia, trong thời gian ngắn tới, Trung Quốc sẽ có thể đẩy mạnh hoạt động hơn nữa trên Biển Đông.

“Tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ tận dụng những thách thức từ dịch Covid-19 mà Mỹ đang phải đối mặt để tăng cường vị thế ở Biển Đông bằng sự xuất hiện ở hiện tại và tương lai trong khu vực, giữa lúc Mỹ đang bị tê liệt”, ông Carl Schuster, một cựu thuyền trưởng hải quân Mỹ nhận định.

Nhóm tàu chiến Mỹ có mặt ở bờ biển Hawaii tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) hồi tháng 7/2018. (Ảnh: US Navy)

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.

Liên quan tới hành động ngang ngược của tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), hôm 6/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh, "chúng tôi quan ngại sâu sắc với thông tin Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông”.

"Đây là sự việc mới nhất trong chuỗi các hành động của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các tuyên bố hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á trên Biển Đông", bà Ortagus nói thêm.

Trước đó, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.

Hôm 3/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vụ nhân viên công vụ và tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam.

"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông", bà Hằng nói.

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, 8 ngư dân Việt Nam trên tàu QNg 90617 TS đã được tiếp nhận an toàn vào ngày 3/4.

Cũng vào ngày 3/4, một bài viết đăng tải trên trang web tiếng Anh của quân đội Trung Quốc nhấn mạnh rằng, “sự bùng nổ của dịch Covid-19 đã làm giảm rõ rệt khả năng triển khai tàu chiến của hải quân Mỹ tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Lâu nay, tàu sân bay với khả năng chuyên chở theo 90 máy bay và trực thăng được xem là vũ khí hùng mạnh nhất của hải quân Mỹ. Còn hiện tại, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang bị cách ly ở đảo Guam và không dễ dàng để con tàu quay trở lại hoạt động trên Biển Đông. Dù Mỹ có 11 tàu sân bay trong hạm đội, nhưng các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thường đòi hỏi thời gian đại tu và bảo dưỡng kéo dài nên nó không thường trong tình trạng sẵn sàng triển khai.  

Theo số liệu được Viện Hải quân Mỹ công bố, tính tới ngày 30/3, chỉ có 5 tàu sân bay Mỹ sẵn sàng hoạt động bao gồm USS Theodore Roosevelt, USS Ronald Reagan, hai tàu đang được triển khai ở vùng Vịnh nhằm đối phó với mối đe dọa từ Iran và tàu thứ 5 hoạt động ở bờ đông nước Mỹ. Việc điều động một tàu sân bay tới một vùng biển khác trên thế giới sẽ gây ra tình trạng an ninh bấp bênh ở nơi mà nó rời đi.

Theo ông Schuster, trong bối cảnh khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này để tăng cường sức mạnh thông qua việc tiến hành hàng loạt đợt tập trận trên Biển Đông như trong tháng Ba.

Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng khẳng định không bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 như quân đội Mỹ. Theo đó, Trung Quốc tuyên bố không ghi nhận bất cứ ca nhiễm Covid-19 trong lực lượng không quân, hải quân và lục quân.  

Tuy nhiên, ông Schuster cho rằng, hạm đội hải quân Mỹ hoạt động khắp khu vực Thái Bình Dương và tiến hành các chương trình tuần tra dài ngày. Trong khi đó, các tàu của hải quân Trung Quốc chỉ hoạt động trên biển dưới 30 ngày và gần các căn cứ quân sự. Do đó, họ có thể “thay thế những thủy thủ mắc bệnh và đưa những người thay thế khỏe mạnh lên tàu”.

Minh Thu (lược dịch)

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Nga tăng trưởng trở lại

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP thực tế của Nga sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2024, bất chấp những lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Ông Trump bị truy tố lần thứ hai, đối mặt 7 tội danh

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với các cáo buộc hình sự vì xử lý sai nhiều tài liệu mật của chính phủ.

Gần 9.000 bức ảnh trong máy tính của con trai Tổng thống Mỹ bị tiết lộ

Gần 9.000 bức ảnh trong máy tính xách tay của Hunter Biden, con trai đương kim Tổng thống Mỹ, đã bị tổ chức phi lợi nhuận cánh hữu Marco Polo đăng tải lên mạng.

Sập cầu gỗ ở trại hè, hàng chục thanh thiếu niên Mỹ bị thương

Theo cơ quan chức năng Mỹ, rất may không có ai thiệt mạng trong vụ việc trên.

Mỹ thông qua luật tước vị thế 'nước đang phát triển' của Trung Quốc

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua "Đạo luật chấm dứt địa vị quốc gia đang phát triển của Trung Quốc", trong bối cảnh nước này tập trung cạnh tranh với nền kinh tế số 2 thế giới.

Những thành phố có chi phí sống đắt đỏ nhất thế giới với người nước ngoài

Khảo sát tại 207 thành phố trên thế giới cho thấy, New York đứng thứ nhất trong danh sách các thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất với người nước ngoài.

Phụ huynh ở nơi nào được nộp học phí cho con bằng rác?

NIGERIA - Trường My Dream Stead là một trong số 40 trường học giá rẻ ở Lagos đồng ý nhận rác thải có thể tái chế thay cho tiền học phí.

Video nhân viên nhà hàng bị bắt quả tang vắt nước giẻ lau vào nồi nước nấu mì

TRUNG QUỐC - Nhân viên tại một cửa hàng mì nổi tiếng ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan bị bắt quả tang vắt nước giẻ lau bàn vào nồi nước nấu mì.

Lộ ảnh đi chơi với tình nhân, giám đốc công ty nhà nước ở Trung Quốc bị sa thải

Một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cho biết, họ đã sa thải Giám đốc điều hành, bí thư đảng ủy công ty sau khi hình ảnh quan chức này có quan hệ tình ái với cấp dưới lan truyền trên mạng.

Video xe taxi tự lái lần đầu thử nghiệm ở Moscow

Loại taxi tự lái, do công ty công nghệ Yandex chế tạo, gần đây đã thử hoạt động tại một trong những quận lớn nhất của thủ đô Moscow, Nga.

Đang cập nhật dữ liệu !