Liên tục 'giở trò' trên Biển Đông – Trung Quốc mưu đồ gì?
Tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn của Trung Quốc tập trận đổ bộ gần sát bờ biển Malaysia. |
Theo phân tích của giáo sư Carlyle A.Thayer – chuyên gia về Đông Nam Á thuộc ĐH New South Wales (Australia), những hành động gần đây của Trung Quốc như tiến hành tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo, điều tàu đến các vùng biển đang có tranh chấp, bắn cháy tàu cá của Việt Nam… là sự tiếp nối kế hoạch dài hạn nhằm khẳng định những “tuyên bố chủ quyền” của họ và tiến tới kiểm soát Biển Đông. Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn tiếp tục nâng cấp căn cứ hải quân ở Hải Nam và đã lập một trạm đồn trú trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính quyền trung ương Trung Quốc khẳng định rằng, chính quyền cái gọi là “thành phố Tam Sa” sẽ thực thi pháp luật trong vùng đặc quyền kinh tế.
Sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc cũng như việc tăng cường đội tàu dân sự sẽ tiếp diễn. Ngày càng nhiều tàu bè được điều động đến Hạm đội Nam Hải và đi xuống Biển Đông. Trung Quốc sẽ tận dụng những cơ hội nhỏ nhất để thúc đẩy các đòi hỏi của mình. Ví dụ, ngay khi các tàu của Philippines rời khỏi bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đã chăng dây và dựng hàng rào để họ không thể quay lại được nữa. Đến nay, có thể nói Trung Quốc đã thôn tính “gọn gàng” bãi cạn Scarborough của Philippines bằng việc đưa tàu đến đậu thường trực tại đây. Điều này đồng nghĩa với việc Philippines đã mất chủ quyền với bãi cạn và các vùng lân cận.
Cũng theo giáo sư Thayer, trong thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động để qua đó “khẳng định” cái gọi là chủ quyền của họ ở Biển Đông. Bắc Kinh sẽ gây áp lực ở hậu trường đối với các nước ASEAN để họ vận động Philippines từ bỏ đơn kiện ở Tòa án trọng tài về Luật biển của Liên Hợp Quốc, đổi lại là sẽ nối lại các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Nhưng từ nay đến tháng 8, khi Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, hải quân và các tàu hải giám, Ngư chính của nước này sẽ tăng cường hoạt động để “tô đậm” hành động mà họ gọi là “thực thi pháp luật và khẳng định chủ quyền”. Các hành động của Bắc Kinh được tính toán rất cẩn thận, không quá lộ liễu để xảy ra xung đột vũ trang những cũng đủ mạnh để có thể dọa nạt ngư dân các nước Đông Nam Á.
Trung Quốc vừa cử một đội tàu đánh cá gồm 32 chiếc xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt nhưng thực chất là để tăng cường sự hiện diện và góp phần khẳng định cái gọi là chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông. |
Giới quan sát quốc tế nhận định, trong lúc Philippines bận theo đuổi vụ kiện ở Liên Hợp Quốc, Bắc Kinh sẽ cố gắng tranh thủ hiện diện ở Biển Đông. Nếu Tòa án quốc tế về Luật Biển cho phép thành lập một Tòa án trọng tài, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực trong thời gian nghị án. Philippines đánh giá rằng tòa án có thể sẽ cần từ 3-4 năm để ra quyết định. Và khoảng thời gian đó đủ để Trung Quốc xác lập chủ quyền rõ hơn.
* Quân cảng Cam Ranh và vấn đề an ninh trên Biển Đông
* Căng thẳng chủ quyền biển đảo ở Đông Á và Đông Nam Á
Về những hành động gia tăng sự khiêu khích gần đây của Trung Quốc, giáo sư Thayer cho rằng, hầu hết các nhà nghiên cứu quốc tế đều quan ngại trước việc hạm đội hải quân Trung Quốc bao gồm một tàu đổ bộ cỡ lớn và các tàu khu trục hiện đại, tiến vào bãi đá ngầm James. Đây có thể coi là một bước tiến mới, mạnh dạn hơn của Trung Quốc bởi bãi đá James nằm rất gần bờ biển Malaysia và Brunei.