Libya đã 'tuồn vũ khí' cho phe đối lập Syria như thế nào?
Phe nổi dậy Syria được Libya hỗ trợ vũ khí từ năm 2012 |
"Trái với tình hình tại Syria, cuộc cách mạng tại Libya vốn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Do đó, hồi năm ngoái, chúng tôi quyết định giúp đỡ và vận chuyển vũ khí cho phe đối lập Syria", tướng chỉ huy lực lượng nổi dậy (43 tuổi) tại Benghazi – người chịu trách nhiệm đưa vũ khí từ Libya cho phe đối lập Syria nói.
Lâu nay, các nhóm nổi dậy Libya đã xem phe đối lập Syria là những chiến hữu cùng chiến đấu vì mục tiêu lập đổ nhà độc tài khát máu. Trước đây, Tổng thống Syria - Bashar al-Assad đã duy trì mối thâm tình đồng minh với cố Tổng thống Muammar al-Qaddafi – nhà lãnh đạo Libya bị lật đổ năm 2011.
Sau cái chết của cố Tổng thống Gaddafi, một số chiến binh Libya đã sang Syria để ủng hộ cho lực lượng nổi dậy. Do đó, Libya là yếu tố gây ảnh hưởng lớn tới cuộc chiến chống lại chính phủ Syria trong thời gian qua.
Thậm chí, một bài báo mới đăng gần đây trên tờ New York Times đã xác nhận thông tin Libya đưa vũ khí vào Syria và nguồn tài chính do Qatar tài trợ. Ngoài phương thức vận chuyển vũ khí qua đường hàng không như New York Times viết, nguồn cung cấp vũ khí qua hệ thống đường thủy dọc Địa Trung Hải là nơi viện trợ số lượng vũ khí và hàng hóa lớn nhất vào Syria.
Vận chuyển vũ khí tới Syria bằng cả hàng không và đường biển
Nhiều thiết bị quân sự được chuyển tới Syria bằng cả đường hàng không và đường biển |
Riêng viên tướng chỉ huy lực lượng nổi dậy (43 tuổi) đã chỉ huy 2 thuyền chở vũ khí từ Benghazi sang cảng Iskenderun, Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay. Số vũ khí này sau đó được chuyển vào đất liền và được giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cấp phép trao cho các lực lượng nổi dậy kiểm soát khu vực phía bắc Syria.
Theo báo cáo, mỗi thuyền chở hàng trên đã vận chuyển khoảng 460 tấn hàng hóa mà chủ yếu là vũ khí và cả hàng cứu trợ nhân đạo. Trong đó, một thuyền chở hàng đã dời khỏi Benghazi cách đây 5 tháng, con thuyền thứ hai nhổ neo vào tháng Sáu.
Hai con thuyền chở hàng đã chở theo các thiết bị lắp ghép trên hệ thống súng máy hạng nặng, ống phóng tên lửa mang trái phá, súng cối, đạn dược và quan trọng nhất là tên lửa 120 SAM-7 cùng với dàn phóng tên lửa. Hệ thống đất đối không này chính là thủ phạm bắn hạ một vài máy bay quân sự của chính phủ Syria trong năm nay.
Hồi năm ngoái, các lực lượng cách mạng tại thủ đô Libya cũng tổ chức đưa một tàu hàng tới Syria song qua Lebanon, mọi nỗ lực vận chuyển vũ khí cho phe đối lập Syria đã gặp thất bại. "Cả con tàu và hàng hóa đã bị giới chức Lebanon tịch thu bởi họ là những người ủng hộ Tổng thống Assad. Sau thất bại, tôi quyết định vận chuyển vũ khí tới Syria từ Benghazi đi qua Thổ Nhĩ Kỳ", cựu chỉ huy lực lượng nổi dậy (43 tuổi) nói.
Sau khi cuộc chiến tại Libya kết thúc, quốc gia này trở thành thị trường vũ khí mở lớn nhất thế giới. Những vũ khí được dùng để lật đổ cố Tổng thống Qaddafi đã lưu hành trên khắp khu vực Trung Đông. Điển hình, những phần tử cực đoan có mối liên hệ với lực lượng khủng bố al Qaeda đã mua vũ khí của Libya để chiếm đóng, cô lập nhiều vùng tại Mali khỏi sự quản lý của chính quyền.
Cựu chỉ huy lực lượng nổi dậy (43 tuổi) cho biết phần lớn vũ khí và hàng hóa viện trợ đều được các lực lượng Libya ủng hộ miễn phí. Song trong bối cảnh, chi phí vận chuyển vũ khí tăng cao và ngân quỹ của Libya đang cạn kiệt, một thành viên thuộc Phong trào Anh em Hồi giáo đã bay sang Benghazi để bơm tiền và phối hợp vận chuyển vũ khí vào Syria.
Các nhóm nổi dậy Libya cũng đồng thời gửi hàng viện trợ cho phe đối lập Syria thông qua đường hàng không với 27 chuyến bay. Trong đó, 23 chuyến bay từ Libya sang thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ và 4 chuyến hạ cánh xuống Jordan. Phần lớn các chuyến bay trên cất cánh từ Benghazi hay Tripoli và sân bay phía đông al-Abraq – gần thị trấn al-Bayda.
Theo đó, chuyến bay cuối cùng chở vũ khí từ Libya đã rời Gaziantep vào cuối tháng Năm. Sau đó, vũ khí được chuyển tới lực lượng nổi dậy phía bắc Syria – nơi tụ tập của các phần tử đối lập thân Thổ Nhĩ Kỳ.
Thậm chí, viên tướng chỉ huy 43 tuổi cũng tham gia cùng một trong tàu hàng chở vũ khí tới Thổ Nhĩ Kỳ qua đường biển. Ngay khi tới nơi, viên tướng này đã tới thăm khu vực lãnh thổ phía bắc do quân nổi dậy Syria chiếm đóng và giúp phân phát vũ khí. Song, không ít va chạm đã xảy ra giữa các nhóm nổi dậy Syria do thiếu tính tổ chức.
"Chúng tôi đã cố gắng phân chia vũ khí đồng đều và công bằng cho các nhóm nổi dậy Syria song không thể loại trừ xung đột. Tôi đã đề xuất thành lập một văn phòng tổ chức mà ở đó tất cả đại diện của phe đối lập Syria tụ họp để bàn thảo giống như mô hình cách mạng trước đây tại Libya. Tuy nhiên, phe đối lập Syria vẫn không thực hiện", cựu chỉ huy lực lượng nổi dậy Libya chia sẻ.
"Không thể lật đổ chính quyền Syria"
Quân nổi dậy nhiều khả năng không thể lật đổ chính quyền Tổng thống Assad |
Viên tướng trên cũng nhấn mạnh rằng ngay cả khi nhận được vũ khí từ Libya, các lực lượng nổi dậy Syria cũng sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến lật đổ chính phủ. Song, ông hy vọng khi nhận được vũ khí, phe đối lập sẽ tự bảo vệ mình tốt hơn trong hoàn cảnh quân đội chính phủ của Tổng thống Assad phát động cuộc tấn công tại thành phố phía bắc Aleppo.
"Từ những kinh nghiệm chiến đấu lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Qaddafi, chúng tôi hiểu được mức độ khó khăn trong việc chống lại chính quyền của một nhà độc tài", cựu chỉ huy 43 tuổi nhận định.
Bên cạnh việc ủng hộ quyết định viện trợ quân sự cho phe đối lập Syria của Mỹ, viên tướng này cũng chỉ ra những khó khăn trong việc vận chuyển vũ khí vào lãnh thổ Syria. "Chúng tôi đang chuẩn bị 3 thuyền chở vũ khí cho lực lượng cách mạng Syria. Một thuyền chở 1.500 tấn vũ khí và hàng viện trợ nhân đạo gần đây neo cảng Libya và sẵn sàng thực hiện hành trình sang Thổ Nhĩ Kỳ bất cứ lúc nào".