Lệnh ngừng bắn mới sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh của Syria như thế nào?
Vào ngày 7/7, sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Mỹ, Nga và Jordan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực Tây Nam Syria.
Một góc thành phố Aleppo (Syria), nơi từng diễn ra một cuộc giao tranh khốc liệt vài tháng trước. |
“Các bên đã thống nhất nội dung trong bản ghi nhớ về việc thành lập một vùng không giao tranh ở phía Tây Nam Syria, cụ thể là tại các tỉnh Daraa, Quneitra và Suwayda. Lệnh này sẽ có hiệu lực từ buổi trưa ngày 9/7 theo giờ Damascus”, ông Lavrov trả lời trước báo giới.
Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh rằng, cả Moscow và Washington đều đã cam kết thực hiện những điều kiện nêu ra trong văn bản để đảm bảo lệnh ngừng bắn được thực thi.
Một nguồn tin tại Damascus cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, các tỉnh Daraa, Quneitra và Suwayda vẫn chưa xảy ra lần vi phạm ngừng bắn nào của các bên. Tổng thống Trump cũng viết trên trang Twitter của mình rằng: “Lệnh ngừng bắn ở Syria có vẻ vẫn đứng vững. Nhiều mạng người vẫn có thể được cứu”.
Theo nhà nghiên cứu chính trị Boris Dolgov thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông Nga, các vùng không giao tranh hiện nay đang mang lại những lợi ích cũng như những vấn đề tiềm ẩn.
“Một mặt, các cuộc giao tranh tại những vùng này đã tạm ngừng và cuộc chiến tạm thời bị đóng băng. Mặt khác, những khu vực này có nguy cơ trở thành những vùng độc lập tách biệt khỏi Syria”, ông Dolgov nói.
“Những khu vực này đều không thuộc sự kiểm soát của chính phủ Syria và có thể sẽ biến thành những vùng biệt lập, những nơi mà các tổ chức khủng bố sẽ đến để ẩn náu. Nó sẽ ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Trong khi đó, nhiều người lo ngại rằng Washington đang không muốn trao trả các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát về tay chính phủ Syria”, ông Dolgov nhận định.
Chuyên gia người Nga nhấn mạnh rằng việc lệnh ngừng bắn có thể mang lại hiệu quả như mong muốn hay không còn phụ thuộc chủ yếu vào các nước ngoài ủng hộ nhóm vũ trang ở Syria.
“Thật vậy, các thế lực này có thể đưa Syria theo những lộ trình khác nhau. Mỗi quốc gia này đều có lợi ích riêng của mình, và nó có thể không phù hợp với mục tiêu chung là kết thúc giao tranh và đạt được thỏa thuận chính trị”, ông Dolgov nói.
Ông cho biết thêm, một số quốc gia có ý định chia cắt Syria kể từ khi IS nổi lên vào năm 2014. “Tôi cho rằng ý định này vẫn còn tồn tại. Đây là lý do vì sao áp dụng lệnh ngừng bắn là một chuyện, còn bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Syria lại là một vấn đề khó khăn khác”, ông Dolgov kết luận.
Nga và Mỹ đang ủng hộ hai bên đối lập nhau trong cuộc giao tranh ở Syria, khi Moscow đứng về phía quân chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, còn Mỹ hậu thuẫn cho các nhóm vũ trang yêu cầu ông Assad phải từ chức.