Lầu Năm Góc: Trung Quốc âm mưu bá chủ bằng quân đội 'cơ bắp'
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc |
Nhận định trên được Lầu Năm Góc vừa mới đệ trình lên Quốc hội Mỹ, trong đó nhấn mạnh việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, "công tác chuẩn bị cho khả năng bùng nổ một cuộc giao tranh tại Eo biển Đài Loan vẫn là trọng tâm quan trọng và chiếm phần lớn khoản đầu tư quân sự của Trung Quốc".
Với Ấn Độ, Trung Quốc vẫn luôn giữ thái độ cẩn trọng, đặc biệt sau sự kiện 2 bên triển khai quân đội tới vùng biên giới tranh chấp Ladakh trong vòng 3 tuần. Tình hình căng thẳng đã chấm dứt nhờ một thỏa thuận được ký kết trong cuộc họp giữa các nhà chỉ huy biên giới của 2 nước.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết Bắc Kinh "góp mặt trong 11 vụ tranh chấp lãnh thổ với 6 quốc gia láng giềng trong khu vực kể từ năm 1998" bao gồm khu vực biên giới chung với Ấn Độ hay còn gọi là Đường Kiểm soát thực tế (LAC) dài 4.057 km. Trên thực tế, cả Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa đạt được một thỏa thuận chung về việc phân chia ranh giới chính thức tại khu vực này.
Trung Quốc đã cho xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự quy mô lớn dọc theo LAC nhằm thể hiện khả năng chiến đấu vượt trội hơn so với Ấn Độ. Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện đang sở hữu 79 tàu chiến lớn và 55 tàu ngầm trong đó có 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang đẩy mạnh chương trình sản xuất tàu sân bay "hiện đại" sau khi trình làng tàu sân bay đầu tiên mang tên "Liêu Ninh" hồi tháng 9 năm ngoái, nhằm mở rộng sức mạnh chiến đấu tại khu vực ngoài khơi. Những tàu ngầm hạt nhân lớp Jin thế hệ mới được trang bị tên lửa JL-2 với tầm bắn 7.400 km đã giúp Trung Quốc "lần đầu tiên nâng khả năng phòng thủ hạt nhân trên biển ở tầm xa và đáng tin cậy".
Trái lại, Ấn Độ mới chỉ nắm trong tay 30 tàu chiến lớn cùng hạm đội gồm 14 tàu ngầm truyền thống và 1 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân - INS Chakra thuê lại của Nga và không được trang bị các tên lửa tầm xa.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ hạ thủy thử nghiệm tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên - INS Arihant nặng 6.000 tấn trang bị tên lửa đạn đạo K-15 với tầm bắn 750 km. Cho tới năm 2015, Ấn Độ mới có thể triển khai bộ 3 vũ khí hạt nhân bao gồm tên lửa đường đạn xuyên lục địa, tàu ngầm mang tên lửa đường đạn và máy bay ném bom chiến lược.
Với các dự án sản xuất hàng loạt máy bay tàng hình tiên tiến J-31, vũ khí chiến đấu trên không, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình cùng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, Lầu Năm Góc nhận định "Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể triển khai hoạt động quân sự khắp khu vực châu Á bao gồm Đài Loan, Biển Hoa Đông, phía tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương".
Ngoài ra, mối quan hệ giữa Trung Quốc – Pakistan cũng đang trở thành tâm điểm của giới quân sự. Trong đó, Lầu Năm Góc nhấn mạnh: "Pakistan vẫn là khách hàng chính mua các loại vũ khí thông thường của Trung Quốc.
Trung Quốc không chỉ bán vũ khí mà còn hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với Pakistan như cùng sản xuất máy bay JF-17 và F-7, tàu khu trục cỡ nhỏ F-22P mang theo trực thăng, máy bay huấn luyện K-8, máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm, xe tăng chủ lực, tên lửa không đối không và tên lửa hành trình chống tàu".
Ngoài ra, các cuộc tấn công mạng cũng là ưu tiên hàng đầu với Trung Quốc. Lầu Năm Góc trực tiếp cáo buộc Trung Quốc thực hiện liên tiếp các cuộc tấn công mạng Internet tại Mỹ với mục tiêu đánh cắp bí mật công nghệ nhằm phục vụ cho chương trình hiện đại hóa quân sự.
Không chỉ Mỹ, Ấn Độ cũng là nạn nhân của Trung Quốc khi hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhằm lấy trộm các thông tin quân sự nhạy cảm và gây gián đoạn nhiều hệ thống máy tính khác.