Lấp lửng chuyện "khi nào tăng giá điện"
Sẽ kìm hãm việc tăng giá điện nếu...
Tại buổi công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện trong năm 2013 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Theo quy định, nếu phương án giá điện tăng từ 7-10%, sau khi được ý kiến chấp thuận của Bộ Công thương thì EVN được quyền tăng.
Nếu tăng trên 10% hoặc giá điện nằm ngoài khung giá phát và khung giá bán lẻ thì phải báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra và sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Ông Tuấn cho hay, việc công bố giá điện của 2014 – 2015 sẽ dựa trên cơ sở báo cáo kiểm tra giá thành của tổ công tác kiểm tra giá, Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiểm tra thẩm định và sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định.
“Căn cứ vào các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu, cơ cấu nguồn, tỷ giá… nếu chi phí tăng lên thực sự thì sẽ tăng giá điện theo đúng quy định, tức là 7-10% hoặc trên 10%, còn nếu chi phí giảm thì sẽ tiến hành giảm giá điện. Việc tăng giảm giá điện hoàn toàn không phục vụ gì cho việc bù lỗ của các hoạt động sản xuất kinh doanh nào khác”, ông Tuấn khẳng định.
Theo Cục Điều tiết điện lực, EVN đã không tính bể bơi, sân tennis vào giá thành điện. |
Vị Cục trưởng này cũng cho biết, một trong những yếu tố quan trọng khi kiểm tra giá thành là các yếu tố đầu vào trong khâu phát điện, trong đó có yếu tố giá dầu giảm. Như vậy, phương án giá cơ sở của năm 2015 sẽ tính toán trên cơ sở những giá nhiên liệu cập nhật từ lần tăng giá điện gần nhất đến thời điểm làm giá điện cơ sở.
“Cơ cấu nguồn điện ảnh hưởng rất lớn đến giá thành chứ không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào giá dầu, giá dầu là yếu tố quan trọng nhưng không phải yếu tố duy nhất để chúng ta xem xét”, ông Tuấn nói thêm.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho hay, hiện nay chưa thể tính toán, kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 của EVN vì phải chờ năm 2015, EVN hoàn thành các báo cáo về chi phí và giá thành sản xuất, báo cáo tài chính kiểm toán độc lập…
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực tiếp lời: Bộ Công thương sẽ cân nhắc nếu có giải pháp khác thực hiện được thì Bộ sẽ cùng EVN kìm hãm việc tăng giá điện. Tại sao cả năm 2014 không tăng giá điện, Bộ quyết định chưa điều chỉnh đều có lý do và có cả giải pháp kèm theo chứ không phải để EVN “tự bơi” một mình.
Liên quan đến vấn đề có hay không tính bể bơi sân tennis vào giá thành điện?
Ông Tuấn khẳng định: Trong quá trình kiểm tra giá thành thì cũng đã kiểm tra chi phí của EVN, đối với chi phí của những công trình nhà cửa phục vụ cho vận hành nhà máy thì những chi phí này được phép đưa vào trong giá thành sản xuất điện.
Còn những công trình bên ngoài như bể bơi, sân tennis thì những chi phí này không được phép tính vào trong giá thành sản xuất điện. Đối với những nhà xây cho công nhân thuê thì trong chi phí ngành điện đã trừ đi chi phí thu được từ việc cho thuê nhà này. Vì thế, EVN đã không tính bể bơi, sân tennis vào giá thành điện.
Hết năm 2015 hết hạn nhập khẩu điện từ Trung Quốc
Theo ông Tuấn, chúng ta mua điện Trung Quốc từ năm 2004, nhưng từ năm 2012 trở lại đây khi các nguồn điện mới xây dựng đã vận hành, cũng như nhà máy thủy điện Sơn La có điều kiện thủy văn thuận lợi thì nguồn điện nhập khẩu từ Trung Quốc giảm đáng kể.
“Nếu như năm 2012 chúng ta nhập khẩu 3,2 tỷ kWh thì năm 2014 giảm còn 2,29 tỷ kWh và dự kiến năm 2015 chỉ còn 1,8 tỷ kWh. Hợp đồng mua điện từ Trung Quốc hết năm 2015 cũng hết hạn”, ông Tuấn cho hay.
Vị Cục trưởng so sánh, giá điện nhập khẩu từ Trung Quốc hiện thấp hơn nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than và cao hơn 1 số nhà máy thủy điện, nhưng vào những năm hạn hán có nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc thì rất quý vì nếu không có nguồn điện này thì trong những năm đó chắc chắn EVN phải tiết giảm điện với quy mô tương đối lớn.
Ông Tri thì cho rằng, việc mua điện từ các nước biên giới là chuyện rất bình thường đối với các doanh nghiệp làm điện vì khi kết nối với hệ thống điện của các nước khác thì chúng ta tăng được công suất đề phòng.
Theo ông Tri, trong trường hợp hệ thống của chúng ta gặp sự cố hoặc là nguồn điện không bảo đảm do nước về ít… việc liên kết lưới điện với các nước xung quanh là một trong những định hướng chiến lược mà nhiều nước cũng thực hiện, chẳng hạn Mỹ vẫn phải mua điện của Canada vì rẻ hơn là sản xuất.
“Đối với các nước Asean, chúng tôi tham gia chương trình liên kết lưới điện Asean, và đã liên kết với Lào, Campuchia và chuẩn bị liên kết với lưới điện của Thái Lan để chúng ta tận dụng được công suất dư thừa của các nước xung quanh trong trường hợp nếu nhu cầu trong nước tăng trưởng. Vì thế, việc mua điện từ Trung Quốc, Lào hay Campuchia là vì lợi ích của cả hai nước”, ông Tri cho biết thêm.