Lãnh đạo Chi cục QLTT Đà Nẵng bảo lãnh đạo Chi cục ATVSTP “nói chưa đúng”!
Ngày 10/5, báo điện tử Infonet nhận được Công văn số 718/SCT-QLTM ngày 5/5 của Sở Công thương Đà Nẵng và Công văn số 191/QLTT-TTPC ngày 27/4 của Chi cục QLTT Đà Nẵng phản hồi về bài báo “Đà Nẵng: Quản lý thị trường bị tố gây quá nhiều phiền nhiễu, moi móc xử phạt!” đăng trên báo Infonet ngày 19/4.
![]() |
Theo Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đà Nẵng, việc lực lượng QLTTvào khách sạn kiểm tra bếp, lưu mẫu thực phẩm, giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP... là lấn sân ngành y tế (Ảnh: HC) |
Tại Công văn 718/SCT-QLTM, Sở Công thương Đà Nẵng cho rằng: “Qua kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến dịch vụ lưu trú, khách sạn, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) kết luận các hành vi vi phạm đã được các Đội QLTT kiểm tra, xử phạt là đúng với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền về kiểm tra lĩnh vực an toàn thực phẩm của lực lượng QLTT theo quy định của pháp luật”.
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, để nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách trong mùa cao điểm du lịch sắp đến, ngày 18/4, Sở Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức gặp mặt, trao đổi với hàng trăm đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn. Tại đây, nhiều khách sạn đã thẳng thắn “tố” lực lượng QLTT gây quá nhiều phiền nhiễu, kiểm tra không đúng chức năng, nhiệm vụ, lấn sân các ngành khác và cố tìm mọi cách moi móc cho được lỗi của doanh nghiệp để xử phạt!
Đặc biệt, nhiều khách sạn đặt vấn đề: “QLTT đi kiểm tra chuyên đề về giá, hàng hóa nhập khẩu, hạn sử dụng, hóa đơn, chứng từ... nhưng họ lại lấn sân quá nhiều, kiểm tra luôn cả chuyện PCCC, an ninh trật tự, nội quy của khách sạn, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)... Họ kiểm tra như vậy có đúng chức năng hay không?”.
Tại cuộc họp này, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đà Nẵng Đặng Ngọc Hùng cho hay ông đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo QLTT Đà Nẵng và tại nhiều cuộc họp của UBND TP ông cũng nhiều lần nêu rõ, theo phân cấp quản lý nhà nước đối với vấn đề ATVSTP thì các sản phẩm nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và vận chuyển do ngành NN-PTNT quản lý. Sở Công thương có trách nhiệm quản lý các chợ và các thực phẩm kinh doanh trên thị trường. Riêng nhà hàng, khách sạn, quán ăn, bếp ăn tập thể là do ngành y tế quản lý.
“Khi vô kiểm tra khách sạn của các anh chị, QLTT kiểm tra giá cả, niêm yết gì đó thì tôi không biết, nhưng họ không có chức năng kiểm tra bếp, kiểm tra lưu mẫu thực phẩm, kiểm tra giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP... Đó là lĩnh vực của ngành y tế. Họ lấn vô đó là lấn sân!” – ông Đặng Ngọc Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tại Công văn số 191/QLTT-TTPC ngày 27/4, Chi cục trưởng QLTT Đà Nẵng Trần Phước Trí cho rằng: “Việc phát biểu của ông Đăng Ngọc Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đà Nẵng tại buổi họp mặt các doanh nghiệp do Sở Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức là chưa đầy đủ và chưa đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan QLTT tại Pháp lệnh QLTT số 11/2016/UBTVQH13 ngày 1/9/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
Cũng cần nói thêm, sau khi nghe ý kiến của các bên liên quan, phát biểu kết luận tại hội nghị với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú hôm 18/4, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Ngô Quang Vinh đã lưu ý: “Tôi đề nghị các doanh nghiệp khi có người tới kiểm tra thì phải yêu cầu xuất trình giấy tờ để tránh trường hợp giả danh, và kiểm tra vấn đề gì thì phải theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Du lịch thì kiểm tra về xếp hạng sao, nguồn nhân lực, chất lượng phục vụ, phản ánh của du khách..; công an kiểm tra về an ninh trật tự, giấy chứng nhận về an ninh trật tự, về PCCC; QLTT kiểm tra về giá cả, nguồn gốc xuất xứ các loại hành hóa kinh doanh trong khách sạn; y tế kiểm tra về đảm bảo ATVSTP... Về cơ bản thì chức năng của các ngành đều đã được quy định rõ, tôi mong các doanh nghiệp nên nghiên cứu để tự trang bị kiến thức cho mình, chứ không phải người ta nói sao thì mình nghe vậy!”.