Lãnh đạo các nước có thể sẽ nhóm họp về tình hình Ukraine tại Minsk
Kế hoạch về cuộc họp sẽ diễn ra tại thủ đô của Belarus bắt nguồn từ một cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Phát ngôn viên của bà Merkel, ông Steffen Seibert, miêu tả cuộc nói chuyện là “rất gay gắt”.
Các nước trong khối Bộ tứ Normandy (Đức, Pháp, Nga và Ukraine) sẽ có thể nhóm họp lần nữa. |
Mục tiêu của cuộc họp sẽ nhằm đề ra một số biện pháp nhằm tìm ra hướng đi mới cho kế hoạch hòa bình đã bị xâm phạm được đưa ra từ tháng 9/2014. Ông Seibert và chính phủ Pháp cho biết việc chuẩn bị cho cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 9/2 tại Berlin nhưng không nói rõ cụ thể.
Văn phòng của ông Poroshenko đã viết trong một tuyên bố: “Các nhà lãnh đạo hi vọng những nỗ lực trong cuộc họp ở Minsk sẽ dẫn đến việc ngừng bắn vô điều kiện giữa hai bên”.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng cuộc họp có thể sẽ không diễn ra. “Cuộc họp có thể sẽ diễn ra vào ngày 11/2, nếu chúng tôi có thể đồng ý với nhau về một số điểm mà gần đây chúng tôi đã tranh luận rất gay gắt”, ông Putin trả lời phóng viên tại Sochi trong một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Belarus.
Ông Seibert nói thêm, một cuộc họp kín giữa các nước đã ký kết vào thỏa thuận tháng 9/2014, bao gồm Nga, Ukraine và các đại diện của quân ly khai ở Ukraine cũng sẽ diễn ra tại Minsk vào ngày 11/2.
Trước khi cuộc họp diễn ra, bà Merkel dự kiến sẽ gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington vào ngày 9/2 trong khuôn khổ chuyến thăm đã được lên kế hoạch trước.
Tại một hội nghị an ninh quốc tế ở Munich, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ và các nước đồng minh châu Âu đang “có chính sách đối ngoại thống nhất” về vấn đề Ukraine. Ông nói thêm rằng nước Mỹ ủng hộ những nỗ lực của Pháp và Đức nhằm đưa ra kế hoạch mới kết thúc cuộc xung đột đang leo thang ở miền Đông Ukraine.
Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đang leo thang trở lại.. |
Ông Kerry cũng phủ nhận rằng giữa Mỹ và Châu Âu có sự rạn nứt về cách thức phản ứng đối với khủng hoảng Ukraine cũng như vai trò của Nga trong sự kiện này, và hiện đang có một cuộc tranh luận về việc có nên cung cấp vũ khí cho chính phủ Kiev hay không.
“Không có rạn nứt, không có sự chia rẽ nào cả”, ông Kerry nói. “Đã có những lời đồn nói rằng giữa chúng tôi đang có sự xáo trộn. Chúng tôi rất đoàn kết và vẫn đang hợp tác chặt chẽ với nhau”.
Lời nói của ông Kerry được đưa ra trong bối cảnh có những tin tức về sự rạn nứt về việc chính phủ Obama đang xem xét cung cấp vũ khí phòng vệ cho Kiev. Đức và Pháp đã phản đối hành động trên, nói rằng điều đó có thể dẫn đến leo thang xung đột và họ không tin cuộc xung đột có thể được giải quyết bằng con đường quân sự. Nga, trước đó đã bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine, đã nói rằng việc có vũ khí của Mỹ tại đây sẽ mang đến những hậu quả nghiêm trọng.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, phát biểu cùng với ông Kerry, khẳng định lại rằng ông coi việc chuyển vũ khí “không những mang lại rủi ro cao mà còn phản tác dụng”.
Ông Kerry nói Mỹ đồng ý sẽ không có giải pháp quân sự đối với cuộc xung đột Ukraine, nay đã giết chết hơn 5.300 người theo thống kê của Liên Hợp Quốc.
Cùng lúc đó, các quan chức Mỹ cho biết ông Obama đang xem xét lại lời đề nghị trước đó nhằm đưa vũ khí cho Ukraine mặc cho những lo ngại đây có thể biến thành một cuộc chiến tranh từ xa giữa Washington và Moscow. Tuy nhiên, các quan chức nói rằng những loại vũ khí đó sẽ được sử dụng để giúp Kiev tự vệ khi thỏa thuận hòa bình được ký kết.
Cuộc đàm phán dự kiến sẽ nhằm tìm ra cách giải quyết mới cho cuộc xung đột ở Ukraine. |
Phản ứng trước tuyên bố về cuộc họp có thể diễn ra tại Minsk, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ là bà Jen Psaki cho biết ông Kerry sẽ “tiếp tục tham gia chặt chẽ” trong lúc đàm phán tiếp tục.
Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch của Hội đồng Quân chủng tại Quốc hội Mỹ, khẳng định rằng “chúng ta phải cung cấp vũ khí phòng vệ cho Ukraine”. Ông còn nói thêm: “Nếu chúng ta giúp Ukraine gia tăng tổn thất đối với lực lượng vũ trang Nga đã xâm lược đất nước họ, liệu Putin sẽ còn giấu được bao nhiêu người về một cuộc chiến mà ông ta nói với người dân Nga rằng nó không xảy ra?”
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York. AP cũng là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho các tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh trên thế giới.