Làng tỷ phú vùng chiêm trũng xứ Nghệ: Ra đi để trở về
Từ một xã vùng chiêm trũng nghèo khó, hiện nay, cả xã Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An) có hơn 330 tỷ phú, mỗi hộ sở hữu tài sản từ 10 tỷ đồng trở lên; khoảng 2.100 ngôi nhà tầng; trên 400 xe ô tô các loại.
Những kết quả từ xuất khẩu lao động mang lại góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống cho những người lao động ở miền quê nghèo Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An). Năm 2020, dù đại dịch phủ bóng đen ảm đạm toàn cầu nhưng nhiều gia đình ở miền quê này vẫn quyết cho con xuất ngoại với ước mong “đổi đời”.
Giàu lên nhanh chóng
Tay run run pha ấm trà nóng, ông Vũ Văn Thung (SN 1961, ở xóm Phú Vinh, xã Đô Thành) nhớ lại, chừng 20 năm trước, Phú Vinh còn nghèo lắm, nhưng nay có tới hơn 90% số hộ khá và giàu, xây nhà kiên cố, cao tầng. Đó cũng là lý do khiến lòng ông Thung bề bộn suy nghĩ: Tại sao con người ta đi xuất khẩu lao động được, con mình lại không?Người ta xây nhà tầng, mua xe hơi còn nhà mình vẫn nhếch nhác trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ cùng chiếc xe máy đời cũ?
Năm 2017, vợ chồng ông Thung bàn nhau quyết định vay tiền ngân hàng và mượn thêm người thân cho hai con trai là Nguyễn Trọng Thu (SN 1986) và Vũ Trọng Thành (SN 1995) đi lao động tại Đức. Đến đầu năm 2019, khi cuộc sống dần ổn định, Thu trở về quê lập gia đình rồi đưa vợ cùng sang Đức sinh sống và làm việc.
Ông Vũ Văn Thung trải lòng khi có hai con trai đang sinh sống và làm việc ở Đức trong mùa dịch. |
Từ ngày các con ông Thung đi xuất khẩu lao động, cuộc sống vật chất gia đình khá lên, đời sống tinh thần được cải thiện. Ông đã xây được căn nhà hai tầng khang trang, kiên cố.
Tưởng đã yên lòng an dưỡng tuổi già thì nay vợ chồng ông Thung lại thêm một mối lo khi dịch bệnh đang hoành hành và các con của ông đang trong vùng dịch. “Hằng ngày xem tin tức, thấy tình hình dịch ở các nước châu Âu rất phức tạp, số lượng người chết vì dịch bệnh tăng chóng mặt, vợ chồng tôi thấp thỏm lo âu. Nhiều đêm nghĩ về các con mà mất ngủ”, ông Thung nhìn lên tấm ảnh gia đình, đôi mắt chất chứa bao nỗi niềm.
Lo lắng là vậy, nhưng khi được hỏi “Tại sao không nói các con về nước?”, ông Thung nghẹn giọng trả lời: “Giờ về cũng không biết làm gì, thôi thì ở bên đó chờ dịch qua, ổn định rồi lại đi làm kiếm tiền gửi về”.
Cách đó mấy nhà, gia đình ông Nguyễn Duy Hiền (SN 1966) cũng là hộ thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động. Những năm 2000, nhận thấy nhiều người “đổi đời” nhờ xuất ngoại, ông cũng chạy vạy khắp nơi tìm đến miền đất hứa.
Sau hơn chục năm bôn ba các nước, ông Hiền trở về xây dựng cơ ngơi và tìm cách cho con trai đi xuất khẩu lao động. Ông kể, tháng 6/2019, con trai Nguyễn Duy Hòa (SN 1998) bắt đầu nhập học tại một doanh nghiệp xuất khẩu chuyên thị trường Nhật Bản tại Hà Nội. Nhờ tích cực học tập nên tháng 2/2020, Hoà đã đủ tiêu chuẩn về tiếng để xuất cảnh. Doanh nghiệp nơi Hoà chọn học cũng tích cực làm hồ sơ, kết nối nhà tuyển dụng Nhật Bản để lo các thủ tục xuất cảnh dự kiến trong tháng 4/2020. Mọi thứ đã xong, visa cũng đã có nhưng lệnh cấm xuất cảnh của Việt Nam và cấm nhập cảnh của Nhật Bản được ban bố đầu tháng 3 khiến Hoà không bay được như dự kiến.
Đến tháng 10/2020, sau 6 tháng chờ đợi, Hoà mới nhận được lịch bay. Đi đúng thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khiến vợ chồng ông Hiền vô cùng lo lắng: “Gia đình chưa kịp mừng vì con đi được Nhật Bản thì hay tin con trai ở bên kia chưa thể đi làm do dịch bệnh. Hiện tại, gia đình vẫn phải gửi tiền sang để con trai ăn uống, sinh hoạt”, ông Hiền tâm sự.
Xóm Phú Vinh có 380 hộ với 1.500 nhân khẩu. Trong đó, có gần 300 lao động đang sinh sống và làm việc tại các nước như Anh, Đức, Rumani, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Số tiền những lao động này kiếm được gửi về, phần để trả nợ, phần để xây dựng nhà cửa, kinh doanh. Chẳng biết từ bao giờ những ngôi nhà cao tầng ngạo nghễ mọc lên, những chiếc “xế hộp” mang nhãn hiệu các hãng xe nổi tiếng xuất hiện ngày càng nhiều… Chính vì vậy, dù đại dịch đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống nhưng nhiều gia đình nơi đây vẫn quyết tâm cho con xuất ngoại với ước mong “đổi đời”.
Ở Đô Thành có hàng chục ngôi nhà khang trang đang xây mới. |
Hướng đi thoát nghèo
“Đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống. Nhiều lao động đang sinh sống và làm việc ở các nước không có việc làm, không ít trường hợp gia đình phải chu cấp tiền. Khó khăn là vậy, nhưng thời gian tới xã vẫn xác định xuất khẩu lao động là một hướng thoát nghèo cho người dân Đô Thành. Đồng thời, xã tạo mọi điều kiện cho người dân đi xuất khẩu lao động chính thống”, ông Luyện Xuân Huệ, Chủ tịch UBND xã Đô Thành khẳng định.
Theo đánh giá của ông Huệ, số lao động đi làm việc ngoài nước đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân nói chung, người lao động nói riêng.
Xuất khẩu lao động đã mang lại nguồn thu nhập cao, cải thiện cuộc sống cho nhiều gia đình, tạo nguồn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của xã, thôn xóm và làm cho diện mạo xã Đô Thành khởi sắc từng ngày.
Thực tế chứng minh, xuất khẩu lao động đã giúp Đô Thành giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 4,35% năm 2015 xuống còn 1,04% hiện nay. So với làm ruộng, xuất khẩu lao động đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần. Bởi vậy, ở Đô Thành không hiếm trường hợp đi trên chục năm mới về, nhiều người đi 3-4 lần. Hiện, toàn xã có trên 80% số hộ xây được nhà cao tầng, nhà kiên cố, nhiều hộ xây biệt thự rộng cả trăm mét vuông.
“Cái được khi người dân đi làm ăn là kinh tế. Họ mang tiền về, góp phần xây dựng quê hương, đầu tư cho con cái ăn học. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn trực tiếp đến người lao động về thông tin và các thị trường lao động trong, ngoài nước; phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động lựa chọn những đơn đặt hàng tốt để tư vấn cho người lao động. Từ đó, giúp bà con có sự lựa chọn công việc phù hợp sức khỏe, năng lực, nguyện vọng”, ông Huệ thông tin.
Cả xã có hơn 330 tỷ phú (tiền Việt), mỗi hộ sở hữu tài sản từ 10 tỷ đồng trở lên; khoảng 2.100 ngôi nhà tầng; trên 400 xe ô tô các loại. Mỗi năm, nguồn thu nhập từ xuất khẩu lao động đạt 100 tỷ đồng, nhờ vậy, diện mạo xóm làng cũng từng ngày “thay da đổi thịt”.
Mảnh đất chiêm trũng Đô Thành nay chẳng còn những tiếng thở dài lo lắng chuyện “cơm áo gạo tiền”, mà thay vào đó là sự hiện hữu của một làng quê thịnh vượng, đầy sức sống với hàng nghìn ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những căn biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng. Cũng nhờ xuất ngoại, nhiều người có vốn đã mở được doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh quy mô lớn. Từ xứ người, ngày trở về, họ đã dùng số tiền có được bằng mồ hôi, công sức lao động để xây dựng nhà cửa, đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, cho quê hương.
Ông Vũ Văn Quyền - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành
Theo tienphong.vn