Làm sao IS có thể kiếm tới 33.000 USD một giờ?
Theo nhà phân tích tài chính khủng bố Christine Duhaime, mặc dù có những đồn đại về việc IS đang kiếm hàng triệu USD từ các giao dịch trao đổi ngoại tệ nhưng trên thực tế chính việc kiểm soát hệ thống ngân hàng nghèo nàn ở Iraq và Jordan đã góp phần giúp lực lượng phiến quân này duy trì lượng tiền “khủng” để hoạt động bất chấp mọi biện pháp cấm vận chính thức.
Trước đó, chuyên gia David Butter của Viện Nghiên cứu Chatham House phát biểu trước Quốc hội Anh rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS kiếm khoảng 25 triệu USD mỗi tháng thông qua việc giao dịch tiền tệ ở Iraq. Song theo ông Duhaime, nhận định này chưa hoàn toàn chính xác. Việc lần theo các dấu vết tài chính của IS là khá khó khăn bởi tổ chức này đã bắt đầu lên kế hoạch cho các hoạt động tài chính của mình từ trước khi cả thế giới chú ý đến vấn đề này.
IS đã lợi dụng hệ thống ngân hàng ở Iraq và Jordan để quy đổi nguồn tiền. Nguồn: Livejournal |
“Một điều mà nhiều người biết nhưng không nhắc đến bởi một số lý do, đó là việc IS lợi dụng các ngân hàng. IS chắc chắn đã xây dựng được một hệ thống ngân hàng, chúng có thể luân chuyển tiền từ trong ra ngoài và ngược lại. Và trên thực tế, vùng lãnh thổ mà IS đang chiếm đóng cũng là một ngân hàng được kiểm soát rất hiệu quả”, ông Duhaime nhận định.
Iraq đã cấm 142 cơ sở đổi ngoại tệ nhằm ngăn chặn các giao dịch của IS, tuy nhiên, theo ông Duhaime thì biện pháp này là chưa đủ. Trong hệ thống ngân hàng ở Trung Đông, rất nhiều giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt và các quốc gia bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan vẫn duy trì các quy định tài chính chống khủng bố một cách lỏng lẻo.
Thêm vào đó, nhiều chuyên gia cho rằng IS đang tiến hành in các hộ chiếu giả, bằng cách này lực lượng phiến quân sẽ có thêm cơ hội để tiếp tục “rót tiền” cho các hoạt động khủng bố của mình kể cả khi các biện pháp cực kỳ nghiêm ngặt được đưa ra.
Ông Duhaime cũng chỉ ra Iran là một ví dụ thành công ở Trung Đông khi trở thành quốc gia duy nhất có thể áp dụng đầy đủ các biện pháp ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm khủng bố một cách hiệu quả với những tài khoản mới được giám sát chặt chẽ bởi ngân hàng trung ương trong một hệ thống tập trung cao độ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.