Làm gì khi con hóc dị vật, sặc cháo?
Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ vừa cấp cứu một bệnh nhi 32 tháng tuổi vào viện vì tím tái, suy hô hấp. Theo người nhà của em bé, con đi học về nhưng quấy khóc, tím tái và khó thở, gia đình đưa bé vào cấp cứu.
Ngay lập tức trẻ được bác sĩ tiến hành chụp CT lồng ngực. Kết quả, trẻ bị dị vật ở vùng gốc phế quản gây bít tắc phế quản. Nếu chậm trễ, trẻ có thể tử vong.
Năm 2021, tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An một bé trai 3 tuổi cũng tử vong sau khi ăn tới quả vải thứ ba. Nguyên nhân là do bé bị hóc hạt vải. Dù gia đình đưa tới trạm y tế sơ cứu sau đó đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng bé vẫn không qua khỏi.
Tại BV Nhi Trung ương, các bác sĩ cũng thường xuyên cấp cứu các trường hợp trẻ bị hóc dị vật đặc biệt là dị vật đường thở. Nếu dị vật đường thở trẻ có thể ngừng tim, ngừng thở nhanh chóng. Trẻ được cứu sống thì cũng để lại di chứng não.
Điển hình như một bé trai 2 tuổi (quê ở Nam Định) được bố mẹ cho ăn nhãn cả quả và bị hóc. Bé ho sặc sụa, khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi đã trong tình trạng hôn mê sâu do não bị tổn thương không phục hồi vì thiếu oxy sau hóc dị vật.
Dù bệnh nhân được xử trí cấp cứu nhưng do não thiếu oxy, bệnh nhi tổn thương não phải sống thực vật.
BS Phan Xuân Trung – Trung Tâm y tế Hoà Hảo, TP.HCM cho biết hóc dị vật vô cùng nguy hiểm nếu dị vật vào đường thở thì trẻ sẽ có nguy cơ chết não.
BS Trung đã từng chứng kiến con của một đồng nghiệp mẹ là bác sĩ nhưng khi con hóc dị vật là trân châu trong món trà sữa mẹ cũng bối rối, bó tay không làm được gì và cháu bé đã tử vong.
Với các bác sĩ hóc dị vật đường thở là kinh khủng nhất đặc biệt các dị vật như trân châu, thạch, hạt tròn, nhẵn… sẽ nhanh chóng bít đường thở của trẻ. Nếu cha mẹ bối rối không có kỹ năng sơ cứu thì trẻ sẽ tử vong.
PGS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết hóc dị vật hay dị vật đường thở thường là tai nạn xảy ra ở bất kỳ đâu nhất là trong bữa ăn trẻ vừa ăn, vừa chơi. Ở trẻ nhỏ bác sĩ hay gặp nhất là dị vật đường thở do thức ăn.
Ví dụ trẻ đang ăn cháo, ăn bột trẻ không muốn ăn nhưng cha mẹ cứ cố ép cho con ăn dẫn tới trẻ bị sặc. Khi bị sặc tất cả thức ăn từ đường ăn sặc vào đường thở có thể gây ngừng thở vì thanh quản co thắt lại.
Phản xạ co thắt khi thức ăn chạm vào thanh quản thì co lại nhưng co thắt vào lại không mở ra gây ngưng thở.
Tai nạn hóc dị vật khác hay gặp là cha mẹ cho uống thuốc viên. Khi trẻ uống thuốc viên không tán thì trẻ có thể hóc. Trẻ còn hóc các loại hạt như hạt na, hạt hướng dương, hạt nhãn, hạt lạc, đặc biệt là hóc thạch rất nguy hiểm.
Sơ cứu hóc dị vật được xem là kỹ năng vô cùng cần thiết với bất cứu ai nhất là người đang làm cha mẹ để bạn có thể cứu chính con của mình.
Cách sơ cứu hóc dị vật:
Với trẻ nhỏ, PGS Dũng cho biết nếu bạn đang bế bé thấy con có biểu hiện sặc, ho, tím tái bạn ngay lập tức nên cho trẻ quay xuống nằm sấp, trẻ lớn nên cho trẻ nằm sấp vào chân mình… đầu chụng xuống nhưng cổ thẳng và bạn vỗ vào lưng trẻ khoảng 5 cái ở vị trí gần phổi để kích thích ho. Nếu trẻ ho mạnh có thể bật dị vật ra.
Trường hợp trẻ ho nhưng không bật được dị vật ra bạn có thể cho trẻ quay ngược lại là móc dị vật ra.
Với trẻ lớn: Bạn không thể bế trẻ lên được thì bạn nên để trẻ đứng khom lưng, ban đứng từ phía sau, hai tay cho vào xương ức của trẻ sau đó dùng sức mạnh đẩy lưng trẻ lên 5 cái, nếu đủ mạnh trẻ sẽ ho và bật dị vật ra.
Bạn tuyệt đối không nên xoa xoa, vuốt vuốt vì dị vật vào dạ dày thì ít mà vào phổi thì nhiều. Nhiều người nghĩ vuốt vuốt để dị vật xuống nhưng đây là quan niệm sai lầm vì đa số trẻ sơ cứu sai thì dị vật đi và bên trong, khi tới viện bác sĩ cũng khó cấp cứu hơn. Ngay sau đó, bạn đưa trẻ tới cơ sở y tế để được các y bác sĩ hỗ trợ.
Khánh Chi