‘Kỵ binh’ B-1B mang theo vũ khí tối tân ‘diễu võ’ ở cửa ngõ Nga
Không quân Mỹ vừa tiết lộ lý do thực sự B-1B xuất hiện ở biên giới với Nga ở Biển Đen, ngoài tính thách thức thì hành động này cũng là mối đe dọa “khủng khiếp” đối với Moscow.
Theo báo cáo mới đây của Air Force Times, các chuyến bay của máy bay ném bom B-1B Mỹ ở khu vực Biển Đen hồi cuối tháng 5/2020 thực chất là một cuộc diễn tập với vũ khí mới, đây là loại vũ khí “Nga không thể đánh chặn”. Để bảo đảm an toàn cho toàn bộ cuộc diễn tập, các “đồng minh” của Mỹ như Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều động máy bay Su-27, MiG-29 và máy bay tiếp dầu KC-135 đến hộ tống B-1B ở Biển Đen.
Máy bay B-1B phóng tên lửa diệt hạm mới. Nguồn: people.com.cn. |
Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ ở Châu Âu tiết lộ, trong suốt chuyến bay trên Biển Đen hồi cuối tháng 5/2020, hai chiếc máy bay ném bom tầm xa B-1B đã dùng tên lửa tàng hình LRASM (Long Range Anti-Ship Missile) diễn tập tấn công giả định nhằm vào chiến hạm Nga trong khu vực. Đây là loại tên lửa chuyên đối phó với các mục tiêu trên mặt biển, nó cũng là vũ khí chủ chốt trong năng lực chống tàu và chống can thiệp của B-1B.
Tên lửa LRASM là thế hệ vũ khí chống hạm mới của quân đội Mỹ, được thiết kế đặc biệt để tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu cụ thể của các cụm tàu chiến đấu mặt nước trong môi trường điện tử phức tạp. Với sự gia tăng các mối đe dọa hàng hải hiện nay và các vũ khí chống can thiệp/ phong tỏa khu vực liên tục được nâng cấp, tên lửa chống hạm tàng hình này có thể xâm nhập hệ thống phòng không phức tạp của đối phương, từ đó giảm thiểu rủi ro mà Quân đội Mỹ phải đối mặt.
Theo báo cáo của hãng thông tấn Sputnik, Không quân Nga đã phát hiện máy bay ném bom chiến lược B-1B của Không quân Mỹ ở Biển Đen và Biển Baltic vào ngày 29/5. Radar Nga liên tục theo dõi máy bay ném bom của Mỹ gần biên giới Nga. Để theo dõi và ngăn chặn máy bay ném bom của Mỹ xâm nhập không phận, Moscow đã điều Su-27P và Su-30SM giám sát chặt chẽ toàn bộ hành trình của B-1B.
Điều đặc biệt theo tiết lộ của Không quân Mỹ, những chiếc B-1B thực hiện diễn tập vừa mới hoàn thành gói nâng cấp mới và dòng tên lửa được sử dụng LRASM cũng chính là lô đầu tiên được nâng cấp với trí thông minh nhân tạo (AI). Theo Tạp chí quân sự Janes, năm 2017, Hải quân Mỹ đã đặt mua 23 tên lửa diệt hạm thế hệ mới AGM-158C LRASM đầu tiên của Lockheed Martin để phục vụ quá trình thử nghiệm và đánh giá.
Tên lửa AGM-158C LRASM. Nguồn: people.com.cn. |
Dòng tên lửa diệt hạm mới của Lockheed Martin đã vượt qua các bài thử nghiệm và Hải quân Mỹ quyết định đưa vào trang bị quy mô lớn. Tên lửa AGM-158C LRASM được coi là loại tên lửa diệt hạm hàng đầu thế giới. Quá trình phát triển tên lửa LRASM dựa theo nguyên mẫu tên lửa không đối đất JASSM-ER của Không quân Mỹ. Trong tương lai, LRASM sẽ thay thế cho dòng tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon đã lỗi thời.
Điểm mạnh của LRASM chính là hệ thống dẫn đường hiện đại, khó bị gây nhiễu. Hệ thống này kết hợp giữa hiệu chỉnh pha giữa thông qua tín hiệu dẫn từ tàu mẹ, cũng như khả năng bay theo điểm mốc định vị giúp LRASM có quỹ đạo bay rất khó đoán và khó ngăn chặn. Ở pha tiếp cận, tên lửa diệt hạm Mỹ sử dụng hệ thống đầu dò radar chủ động và ảnh quang-hồng ngoại giúp nâng cao tỷ lệ đánh trúng mục tiêu, kể cả trong điều kiện nhiễu động thời tiết và đối kháng điện tử mạnh.
Bên cạnh đó, tên lửa LRASM áp dụng thiết kế khí động học mới kết hợp cùng với vật liệu tổng hợp và lớp phủ giảm phản xạ tín hiệu radar giúp nó có khả năng tàng hình và khiến việc phát hiện và đánh chặn nó trở nên rất khó khăn.
Chuyên gia quân sự Sydney J. Freedberg Jr của Lockheed Martin cho biết, với đầu đạn nổ phân mảnh nặng khoảng 450 kg, tên lửa LRASM có thể dễ dàng vô hiệu hóa tàu chiến mặt nước tải trọng 10.000 tấn trong tầm bắn hiệu quả khoảng 550 km. Mục tiêu cỡ lớn như tàu tuần dương lớp Slava, hay tàu khu trục giống như lớp Sovremenny của Nga, hai quả LRASM là quá đủ cho một mục tiêu.
"Với sức mạnh và sự thông minh của LRASM khi tấn công mục tiêu, đánh chặn tên lửa này hiện là thách thức chưa thể vượt qua của chiến hạm Nga", chuyên gia Freedberg Jr nói.
Đức Trí (lược dịch)