Kremlin lên tiếng về ý tưởng "đổi hạt nhân lấy bỏ trừng phạt” của Donald Trump
Phát ngôn viên điện Kremlin Peskov |
Mới đây, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết Moscow sẽ không xem xét khả năng cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh cấm vận của Hoa Kỳ.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Times, Tổng thống đắc cử MỹDonald Trump tiết lộ, ông dự định sẽ đưa vấn đề giảm một phần đáng kể kho vũ khí hạt nhân của Nga trong các cuộc đàm phán với điện Kremlin về việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Ông Trump cũng đưa ra ý tưởng dỡ bỏ lệnh trừng phạt để đổi lấy thỏa thuận hạt nhân này.
Trả lời câu hỏi liệu Nga có xem xét đến khả năng cắt giảm vũ khí hạt nhân hay không, Ông Peskov cho biết: "Hiện giờ chúng tôi không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến lĩnh vực này".
Ông cũng lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt không phải là vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của Nga cả ở trong lĩnh vực đối nội hay trong quá trình trao đổi thông tin với các đối tác nước ngoài. Người phát ngôn của điện Kremlin cho biết, Moscow "không phải là người khởi xướng ra các biện pháp hạn chế" và cũng không có ý định "đặt vấn đề về các biện pháp trừng phạt trong quan hệ với nước ngoài"
Bình luận về sự thay đổi vị thế của Moscow liên quan đến việc cắt giảm vũ khí hạt nhân, ông Peskov cho biết sẽ chỉ thảo luận về vấn đề này sau khi ông Trump chính thức trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh: "Hiện giờ tôi sẽ không thảo luận về ý tưởng nào cho đến sau lễ nhậm chức của ông Trump".
Tổng thống Mỹ Obama |
Trong khi người kế nhiệm của mình bày tỏ lạc quan có thể hưởng lợi trong mối quan hệ với Nga, thì Tổng thống Barack Obama lại rất lo ngại cho tương lai của nước Mỹ. Quan điểm này được ông đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình SBS gần đây.
Tổng thống sắp mãn nhiệm cho rằng vấn đề liên quan đến "tin tặc Nga" đã cho thấy sự chia rẽ giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, làm cho họ quên mất rằng mình "đang ở cùng một phe".
Ông cho biết: "Tôi rất lấy làm lo lắng bởi có có thể nhận thấy ở một số nhóm người thì mức độ tín nhiệm của ông Vladimir Putin còn cao hơn so với chính phủ Hoa Kỳ".
Tháng 10/2016 các cơ quan tình báo Mỹ đã cho rằng các cuộc tấn công vào hệ thống bầu cử nước này được thực hiện theo đơn đặt hàng từ Moscow. Nhưng các nhà chức trách Mỹ đã không đưa ra được bất kỳ chứng cứ cụ thể về sự tham gia của Nga vào các cuộc tấn công tin tặc nhằm gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống nước này.
Nga cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng việc rò rỉ dữ liệu không liên quan đến điện Kremlin và những cáo buộc của Hoa Kỳ hoàn toàn không có cơ sở.