Kinh tế tuần hoàn, chìa khóa "mở" phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của DN
Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2019 thu hút gần 1.000 người tham dự. |
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, khái niệm về kinh tế tuần hoàn vẫn còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn thực tế đã được cha ông ta thực hiện thông qua mô hình sản xuất Vườn – Ao – Chuồng.
Đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế tuyến tính truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên ở dạng nguyên liệu thô để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, sau đó phế thải từ sản xuất và tiêu dùng được chôn lấp hoặc thậm chí thải ra đại dương.
Nền kinh tế tuần hoàn là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình truyền thống nói trên. Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả những tài nguyên đã sử dụng.
Mô hình kinh tế tuyến tính (trên) và kinh tế tuần hoàn. |
Mô hình kinh tế tuyến tính (trên) và kinh tế tuần hoàn. |
Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam - kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa để giải bài toán, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
“Kinh tế tuần hoàn được đánh giá là một mô hình ưu việt, bởi vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra công ăn việc làm, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường, từ đó hướng tới một nền kinh tế xanh. Đó là vai trò doanh nghiệp thể hiện trong việc chung tay cùng với các cơ quan Chính phủ để phát triển bền vững.” - ông Nguyễn Quang Vinh cho hay.
Điều đó cho thấy doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt trong nền kinh tế tuần hoàn. Chất xúc tác cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung để thực hiện chương trình phát triển bền vững chính là các tập đoàn đa quốc gia, bởi họ là những doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm và sớm hoàn thiện bộ tiêu chuẩn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ về câu chuyện thành công của Heineken Việt Nam trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm kiến tạo những giá trị bền vững cho con người, hành tinh, và sự thịnh vượng, ông Matt Wilson – Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm phát thải mà còn kiến tạo ra giá trị từ rác thải. Những sáng kiến này bao gồm:
Tiến tới không rác thải cần chôn lấp, gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế. Cụ thể, gần như 100% chai bia thủy tinh được thu hồi lại để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm. Các nguyên vật liệu khác như bìa các-tông, nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế; Xử lý 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn.
4 trên 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon; Giảm 2.500 tấn phát thải CO2 chỉ riêng trong khâu kho vận trong năm 2018.
Ông Matt Wilson – Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam chia sẻ tại hội nghị. |
Cũng theo ông Matt Wilson, sáng kiến tái chế nắp chai bia Tiger của Heineken Việt Nam là ví dụ điển hình cho thấy mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp kiến tạo giá trị tích cực cho xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh. Thông qua việc thu gom nắp chai bia và tái chế thành vật liệu sắt để xây cầu hỗ trợ cộng đồng, dự án đã thực hiện thành công ba mục tiêu: thúc đẩy tái chế và giảm rác thải; cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cộng đồng; đồng thời nâng cao hình ảnh của thương hiệu.
Bên cạnh câu chuyện của Heineken Việt Nam, hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 cho thấy các doanh nghiệp FDI đang thể hiện vai trò dẫn dắt.
Ông Đỗ Thái Vương, đại diện của Unilever Việt Nam cho biết tại thị trường Việt Nam, mỗi ngày có 35 triệu sản phẩm của Unilerver được tiêu thụ, nên việc quản lý, xử lý liên quan đến bao bì, rác thải nhựa là thứ được quan tâm.
Theo ông Vương, Unilever đang tập trung vào 3 chiến lược: giảm thiểu rác thải nhựa, dùng nhựa tốt hơn và không sử dụng bao bì nhựa.
Trong khi đó, ông Patrick Chung Tổng giám đốc Công ty Lee & Man Việt Nam nói: "Tôi không thích từ rác. Nếu không sử dụng mà chôn lấp chúng là lãng phí tài nguyên. Hãy đưa chúng trở lại, chia sẻ với khách hàng".
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh, cho rằng khu vực kinh tế tư nhân có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Chính phủ nói riêng.
“Chúng tôi rất hoan nghênh đóng góp của các doanh nghiệp FDI trong việc tiên phong áp dụng các sáng kiến, công nghệ, mô hình phát triển tiên tiến; Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp cùng theo đuổi con đường tăng trưởng xanh.” – ông Vinh nói.