Kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong quý 2/2013
Hôm 15/7, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu năm 2013 tăng 7,5%, thấp hơn so với mức tăng 7,7% của quý 1/2013 và 7,8% của cả năm 2012. Số liệu này phù hợp với dự đoán trước đó của các chuyên gia kinh tế và cuộc khảo sát của hãng tin Blomberg.
Người dân mua dầu ăn tại một cửa hàng ở Thượng Hải. |
Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đang tập trung vào những chính sách tái cơ cấu nền kinh tế và khiến cho tăng trưởng bền vững hơn. Cho đến nay Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn phản đối việc kích thích thêm nền kinh tế đang phải vật lộn với sản lượng công nghiệp dư thừa và kiềm chế sự bùng nổ tín dụng. Trong khi đó, tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Lou Jiwei cho rằng tỷ lệ mở rộng tín dụng là 6,5% không thể là một "vấn đề lớn."
Trong tháng 6/2013, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với sự đoán 9,1% và mức tăng trưởng 9,2% của tháng trước đó.
Trong nửa đầu năm 2013, đầu tư tài sản cố định tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh số bán lẻ trong tháng Sáu tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 12,9% hồi tháng Năm.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2013 từ 3,3% xuống chỉ còn 3,1%. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 7,8% cho năm 2013.
Nhà kinh tế trưởng Olivier Blanchard của IMF nhận định, có những rủi ro mới có thể làm chệch hướng nền kinh tế toàn cầu. Ông nói: “Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc đang trải qua một tiến trình tái cân bằng giữa đầu tư và tiêu dùng. Rủi ro nằm ở chỗ, đầu tư của Trung Quốc có thể giảm mạnh trước khi tiêu dùng thực sự hồi phục. Điều này sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, thậm chí là ở dưới mức dự báo mà chúng tôi đã cắt giảm”.
Hồi tháng 3/2013, chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2013 và 7% trong kế hoạch 5 năm, đến năm 2015. Năm ngoái, Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,8%, mức thấp nhất trong 13 năm khi nhu cầu tại Liên minh châu Âu và Mỹ giảm mạnh.