Kinh tế Trung Quốc - ASEAN tổn thương vì tranh chấp biển đảo
Cao Yunde, một người Campuchia gốc Hoa, hiện đang nắm giữ một vị trí quan trọng trong Chính phủ Campuchia và là cố vấn cao cấp của Chea Sim, người đứng đầu Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền. Ông cũng là chủ tịch của Quỹ đầu tư tài chính Khmer có cổ đông bao gồm các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, các công ty tư nhân Trung Quốc và các công ty Úc. Quỹ Đầu tư tài chính Khmer hiện đang nắm giữ quyền thăm dò khoáng sản rộng rãi ở Campuchia như vàng, đồng và bô-xít.
Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN hiện rất dễ bị tổn thương do những căng thẳng trong mối quan hệ chính trị. |
Ông Cao chia sẻ: “Các nước ASEAN đã trở thành thị trường lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp Trung Quốc, tổng vốn đầu tư khoảng 12,43 tỷ USD trong vòng ba năm qua”. Số lượng du khách du lịch Trung Quốc tới thăm Campuchia đã tăng từ 20% lên 40% mỗi năm. Lim Hour, thư ký của ông Chea Sim cho biết Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là đối tác lớn thứ ba của Trung Quốc. Theo số liệu chính thức từ Trung Quốc, trao đổi thương mại giữa nước này và ASEAN đã tăng 10,2% so với năm ngoái, đạt mức 400 tỷ USD. Vachara Phanchet, cựu Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế lưu vực sông Thái Bình Dương, cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại phát triển nhanh nhất của ASEAN, với mức mở rộng quy mô tăng gấp 10 lần kể từ năm 1998.
Ông Meidyatama Suryodiningrat, Trưởng ban biên tập của tờ Jakarta Post cho biết giá trị thương mại của Trung Quốc – ASEAN có thể tăng lên 500 tỷ USD vào năm 2015, thông tin được đưa ra tại Diễn đàn tài chính Châu Á được tổ chức ở Hồng Kông hồi tuần trước.
“Tuy nhiên, trong ngắn hạn và trung hạn, chính trị sẽ ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế của ASEAN – Trung Quốc. Quan hệ kinh tế giữa hai bên hiện nay rất nóng, nhưng mối quan hệ chính trị lại khá lạnh nhạt”. Hiện nay, Việt Nam và Philippines liên tục đưa ra những lời cảnh báo tới Trung Quốc yêu cầu chấm dứt các hành vi đẩy mạnh xâm chiếm trên biển Đông.
Philippines và Việt Nam không xuất hiện tại diễn đàn các doanh nghiệp ASEAN – Trung Quốc. Ông Lee Kim Yew, người sáng lập Tập đoàn bất động sản Country Heights Malaysia nói: “Điều đó phản ánh đúng vấn đề. Các mối quan hệ chính trị rất quan trọng”.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Myanmar, tiếp đó là Thái Lan và Hồng Kông đứng thứ ba. Ông Kyaw Hlaing, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về Myanmar cho biết. Trung Quốc và Hồng Kông chiếm một nửa số đầu tư trực tiếp nước ngoài tại nước này.