Kinh tế thế giới ảm đạm bao trùm hội nghị G20
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đảm nhận vai trò chủ nhà đăng cai tổ chức hội nghị kinh tế thường niên G20.
BBC đưa tin trong lễ khai mạc hội nghị G20, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng đảm bảo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đối với 20 cường quốc kinh tế thế giới. Ông Tập cho rằng nền kinh tế thế giới đã phục hồi trở lại song lại vấp phải hàng loạt thách thức trong lĩnh vực tài chính, thương mại và đầu tư.
Ngay trong phiên họp mở đầu hội nghị G20, các nhà lãnh đạo thế giới cũng đã tiến hành thảo luận về tình trạng khủng hoảng giá thép toàn cầu, sự kiện Brexit của Anh và khoản thu thuế đối với các công ty đa quốc gia như Apple.
Các nhà lãnhđạo thế giới tham gia hội nghị thượngđỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc. |
Tuy nhiên, trước khi diễn ra các cuộc họp tại Hàng Châu, Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo cho rằng tình trạng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm vẫn sẽ tái diễn trong năm nay. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng GDP trên thế giới sẽ chỉ đạt 3,1% trong năm nay và 3,4% trong năm 2017. IMF hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu sau khi Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU (gọi tắt là Brexit).
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này đánh dấu chuyến công du cuối cùng tới châu Á của ông Barack Obama trên cương vị Tổng thống Mỹ song lại là chuyến công tác ra nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Anh Theresa May.
Trong buổi họp báo chung, Tổng thống Obama cho biết nhiệm vụ đầu tiên mà Anh cần làm sau cuộc trưng cầu dân ý là “chỉ rõ Brexit là gì trong mối quan hệ với châu Âu”. Ông Obama nói thêm rằng Mỹ ưu tiên đối thoại thương mại với EU hay còn gọi là Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) trước khi thảo luận với Anh.
Về phần mình, Thủ tướng May sẽ có bài phát biểu giải thích quyết định về việc Anh rời khỏi EU trong hội nghị G20. Ngoài ra, bà May cũng sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Anh và Trung Quốc nóng lên khi Bắc Kinh tham gia dự án điện hạt nhân Hinkley Point trị giá 18 tỷ bảng.
Cuộc khủng hoảng giá thép cũng là một trong những nội dung được đưa ra bàn thảo ngay trong phiên họp đầu tiên của hội nghị G20 hôm nay.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, phía Trung Quốc cần giải thích về tình trạng dư thừa năng suất khiến giá thép ngày càng giảm. Bởi đây là “điều không thể chấp nhận được” đối với ngành thép châu Âu bởi nhiều công nhân đã bị mất việc làm trong những năm gần đây.
“Dư thừa năng suất là tình trạng mang tính toàn cầu và Trung Quốc là một phần nguyên nhân”, ông Juncker nói.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin BBC của Anh. BBC được thành lập năm 1922. BBC có các chương trình thông tin trên TV, trên đài phát thanh và trên Internet.